Những người tình theo dấu Phong Nha – Kẻ Bàng

Khám phá hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng bắt đầu từ 23 năm trước. Mỗi chuyến thám hiểm Phong Nha – Kẻ Bàng của Đoàn Thám hiểm Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) lại có những phát hiện mới.

Những nhà thám hiểm bất chấp nguy hiểm để vinh danh gia tài hang động Quảng Bình

1. Báo Quảng Bình khi vinh danh Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới đã viết: “Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tấm màn bí mật về động Phong Nha và một vài hang động khác thuộc khối đá vôi Kẻ Bàng đã dần được vén lên qua hai đợt thám hiểm của BCRA.”

 

Đoàn thám hiểm đã kết hợp với các nhà khoa học địa chất nổi tiếng của Việt Nam thuộc Khoa Địa lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội như GS. Nguyễn Quang Mỹ, GS. Nguyễn Hoàn, TS. Vũ Văn Phái… đến thám hiểm Phong Nha và 27 hang động khác trong vùng.

Đợt thám hiểm thứ nhất từ ngày 28/4 – 1/5/1990: Đoàn thám hiểm đã đi thuyền vào động với chiều dài 1.500m và gặp bãi đá ngầm tuyệt đẹp với những phiến đá bằng phẳng có nhiều hoa văn trên mặt.

Hình ảnh Phong Nha 23 năm trước

 
Các nhà thám hiểm vượt qua bãi đá ngầm, tiếp tục thám sát gần 2.000m nữa. Gần 4.000m tính từ cửa động, các nhà thám hiểm đã đo, vẽ và chụp nhiều ảnh có giá trị về động Phong Nha, đặc biệt là những tấm ảnh ở bãi đá ngầm.

Đợt thám hiểm thứ hai từ ngày 18/3 – 18/4/1992: Lần này, đoàn thám hiểm gồm 12 thành viên tiếp tục thám hiểm Phong Nha ở những đoạn sâu. Gần 30 ngày đêm vất vả, khó khăn nhưng các nhà thám hiểm vẫn dũng cảm, kiên trì khảo sát dòng sông ngầm khuất khúc chảy trong lòng dãy Trường Sơn.

Lần này, các nhà thám hiểm đã khảo sát, vẽ bản đồ và đo được chiều dài tổng cộng là 7.729m, nơi cao nhất là 50m và độ sâu của động là 83m.

23 năm sau là một hệ thống hang động kỳ vĩ bậc nhất

Tháng 4/1994, trong cuộc họp với Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình và các ngành hữu quan về các đợt thám hiểm ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Howard Limbert, Trưởng đoàn BCRA, phát biểu: “Động Phong Nha là một hang động nổi tiếng ở Việt Nam và là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới. Động Phong Nha có liên quan đến nhiều hang động khác trong vùng. Chúng tôi tin rằng các hang động ở đây có thể nối liền với nhau bằng hang ngầm, và do đó Phong Nha là hang động nước dài nhất trên thế giới”.

Từ đó đến nay, cứ hai năm một lần, BCRA do ông Howard Limbert dẫn đầu đã đến với Phong Nha – Kẻ Bàng. Mỗi chuyến đi như thế, họ luôn có các khám phá mới.

Từ Phong Nha, họ phát hiện được động Tiên Sơn, rồi Thiên Đường dài 31km, hang Tối, Mẹ Bồng Con, Rục Cà Ròng, hang Én, Hồ Trên Núi… Rồi họ công bố với thế giới rằng, ở vùng đất hẹp nhất Việt Nam có hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới.

Phát hiện Hang Sơn Đoòng – Hang động lớn nhất thế giới

BCRA gồm 12 – 15 người mỗi chuyến đi, họ cần mẫn vinh danh một vùng đất rất ít người trên thế giới biết đến. Để rồi 23 năm sau, từ BBC của Anh đến NatGeo của Hoa Kỳ, từ NHK của Nhật đến Globe của Brazil… đều cử đến những đoàn làm phim hùng hậu nhằm cho toàn cầu thấy kiệt tác hang động trứ danh của mảnh đất Quảng Bình thân thiện.

Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh

2. Người Việt Nam đầu tiên đau đáu với núi non Kẻ Bàng là TS. Nguyễn Quang Mỹ, Chủ tịch Hội Hang động Việt Nam, người có hơn 40 năm khám phá các hang động.

Ông từng công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nay đã nghỉ hưu, nhưng như ông nói: “Tôi về hưu trên giấy tờ nhưng vẫn tiếp tục những chuyến khám phá hang động Việt Nam, bởi sự khám phá ấy là vô tận”.

Tuổi trai tráng, ông cống hiến cho niềm đam mê hang động, địa mạo địa chất trên các vách núi cheo leo ở Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, rồi trở về thám hiểm hang động ở Phong Nha. Ông đã cùng các nhà khoa học Anh xuất bản tập tài liệu Anh – Việt với gần 300 tấm ảnh về 300 hang động lộng lẫy tại Quảng Bình để giới thiệu với thế giới.

Với hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, GS-TS. Nguyễn Quang Mỹ nói: “Có thể nói, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Phong Nha một cảnh đẹp tuyệt vời. Những cột nhũ đá lóng lánh bạc, những ngai vàng kim cương, những cụm thạch nhũ hồng tươi trên dòng sông ngầm Phong Nha rất hiếm gặp ở các hang động khác. Về độ dài thì Phong Nha – Kẻ Bàng không thể sánh với hang Gió của Mỹ dài đến 530km, hay hang Ease Gill của Anh dài đến 52km, nhưng chính các nhà thám hiểm hang động thế giới tôi gặp luôn nói rằng không nơi đâu hang động lại kỳ ảo, huyền bí và rực rỡ như Phong Nha – Kẻ Bàng. Đó là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Họ càng khám phá, càng bất ngờ”.

3. Để có những hang động Phong Nha – Kẻ Bàng phát lộ như ngày nay, không thể không nói đến những người tìm kiếm hang động địa phương.

Họ là những người từng đi rừng tìm trầm hoặc tác động tiêu cực đến rừng. Để góp chút công sức cho quê hương, họ đã dấn thân vào rừng, dẫn đoàn thám hiểm vào các hang động mà họ biết.

Bởi những chuyên gia Anh dù giỏi về kỹ thuật, về khoa học địa mạo nhưng kiến thức bản địa từng vùng đất, từng khu rừng họ hoàn toàn không am hiểu, phải nhờ đến trí lực của những người đi rừng.

Hồ Khanh là một trong những người dân như thế. Anh là người không thể thiếu khi dẫn đoàn thám hiểm tìm ra Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, được công bố vào năm 2009.

Tên tuổi Hồ Khanh nay như một thương hiệu địa phương. Và du khách nước ngoài đến với Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn luôn muốn chụp ảnh với người dẫn đường trứ danh này.

Tiến Sĩ Howard Limbert cùng người dẫn đường Hồ Khanh

Đội ngũ hướng dẫn viên của động Phong Nha, Tiên Sơn… (Trung tâm Du lịch Phong Nha), Thiên Đường (Tập đoàn Trường Thịnh) cũng là những người tâm huyết với hang động theo cách của người làm du lịch. Họ đã cần mẫn với công việc của mình, góp phần làm cho Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng đông du khách.

Và đã có bao người dân Quảng Bình góp công trong việc truyền bá hệ thống hang động lừng danh này với bạn bè trong nước cũng như thế giới qua mạng xã hội hoặc Facebook, blog cá nhân, hoặc bằng cách cổ điển mà người ta vẫn hay dùng là “tuyên truyền miệng” để du khách tìm đến Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm mãn nhãn với những vòm hang tráng lệ, lộng lẫy.

Phong Nha càng khám phá càng tráng lệ bí ẩn

UBND tỉnh Quảng Bình đã có những chính sách phù hợp trong việc sử dụng các hang động là sản phẩm du lịch độc đáo, tạo tiềm lực phát triển kinh tế địa phương.

Mười năm trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng những quyết sách đúng đắn để phát triển du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã thành công, người dân xã Sơn Trạch – quê hương Di sản và một số xã vùng phụ cận đã được hưởng lợi từ đây.

 

HÁN THƯ