Di Tích Mộ và Nhà Thờ Đề Đốc Lê Trực
Ẩn mình bên dòng sông Gianh, thuộc làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) có một di tích lịch sử quốc gia rất giá trị đó là nhà thờ và khu mộ Đề đốc Lê Trực, thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương lừng danh, một tấm gương trung trinh yêu nước mà hậu duệ bây giờ vẫn kể.
Di tích lịch sử mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực nằm về phía Tây Nam, gần dưới chân núi đá Dù, Cách trụ sở UBND xã Tiến Hóa khoảng 2 km về phía Đông Nam. Cách chợ Cuồi 3km về phía Đông. Du lịch Quảng Bình, muốn đến thăm di tích có thể đi được bằng nhiều đường nhưng thuận tiện nhất là theo đường liên huyện Quảng Trạch – Tuyên Hóa, tới lèn Thanh Thủy rẽ trái là đến di tích.
Nhà thờ và mộ Đề Đốc Lê Trực trong thời phong kiến thuộc thôn Châu Linh, xã Thanh Thủy, tổng Thuận Lệ, phủ Quảng Trạch. Trong cách mạng tháng Tám, thuộc xã Lê Trực huyện Tuyên Hóa. Ngày nay thuộc xóm Bàu I, Hợp tác xã Hồng Phong, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Di tích là nơi lưu niệm một võ tướng có công lớn trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình những năm cuối thế kỷ XIX đó là Đề đốc Lê Trực.
Vào cuối thế kỷ XIX, xã hội phong kiến Việt Nam ngày một rối ren, Đàng Trong thì nội bộ lủng củng đố kỵ nhau, Đàng Ngoài thì thực dân Pháp ra sức lấn chiếm.
Trước sức mạnh của chủ nghĩa thực dân với phương thức sản xuất Tư Bản chủ nghĩa, triều đình phong kiến nhà Nguyễn liên tục phải ký các hiệp ước đầu hàng với Pháp. Sau khi triều đình phong kiến nhà Nguyễn ký các hiệp ước bán nước, khắp nơi trên đất nước ta từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ rồi Nam Kỳ phong trào kháng chiến chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt là khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thì phong trào khởi nghĩa lan rộng ra khắp các tỉnh, làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ.
Ở Quảng Bình phong trào kháng chiến của nhân dân nổi lên rầm rộ, vùng Nam Quảng Bình có Đề Phú. Đề Én, Đề Chít,… Họ lập căn cứ ở vùng núi, đánh tập kích các đường giao thông, đồn bốt địch. Phía Bắc có Cao Thượng Chí (Mai Hoá – Tuyên Hoá), ở Quảng Trạch có Mai Lượng, Trung Thuần có Lê Tuấn, Đồng Hới có Nguyễn Phạm Tuân. Nhưng tiêu biểu nhất vẫn là nghĩa quân do Đề Đốc Lê Trực đứng đầu.
Lê Trực người làng Thanh Thủy, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa – Tuyên Hóa) Ông đỗ Tạo sỹ (Tam Giám Tiến sỹ võ), nguyên làm lãnh binh Hà Nội. Khi tướng giặc Henry Ryviere hạ thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn, Ông bị triều đình cách chức.
Đến khi nhận chiếu Cần Vương vào năm 1885, các cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi bùng lên, Lê Trực tập hợp một số quân dân đứng lên khởi nghĩa ở vùng sông Gianh, lấy Cửa Xai trong vùng núi Thanh Thuỷ làm căn cứ, được Tôn Thất Thuyết cho phục nguyên hàm. Từ đó, ông kêu gọi sĩ phu, thân sĩ trong vùng theo Hàm Nghi chống Pháp. Sau 2 tháng, cụ đã chiêu mộ được hơn 500 lính, rồi phát triển dần lên đến hơn 2.000 binh sĩ. Nghĩa quân của Lê Trực ngày một phát triển mạnh mẽ, tầm hoạt động càng lớn, tiếng vang ra khắp các địa bàn. Lê Trực đã tổ chức được nhiều cuộc tấn công lớn, nhỏ, đánh tập kích vào đồn bốt địch, bắt giết lũ tay sai bán nước. Nhưng tiêu biểu nhất vẫn là trận đánh đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 5 năm 1886, nghĩa quân đột nhập thành Đồng Hới, đốt phá doanh trại địch, giết tên Bố chánh gian ác Nguyễn Đình Dương. Tuyến đường Đồng Hới – Ba Đồn và đường liên huyện đều bị nghĩa quân phong toả, Lê Trực bố trí cho quân phục kích trên các ngã đường, để chặn đánh, làm tiêu hao sinh lực địch, chính quyền thực dân Pháp hết sức hoang mang trước sự tấn công mạnh mẽ của nghĩa quân. Nhiều lần chịu thất bại trước lòng dũng cảm, mưu trí của nghĩa quân, thực dân Pháp càng trở nên điên cuồng và tàn bạo, chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét, giết hại dân lành, đốt phá làng xóm.
Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 6 năm 1887 quân Pháp tập kích vào vùng núi Thanh Thuỷ, nơi căn cứ của nghĩa quân Lê Trực. Hai bên đánh nhau rất quyết liệt, nhưng lực lượng ít, vũ khí lại quá thô sơ, Lê Trực đành phải cho nghĩa quân rút chạy, nhiều người bị bắt và bị địch giết chết.
Sau trận bị tập kích vào căn cứ, nghĩa quân Lê Trực bị tổn thất quá nửa, với những mất mát to lớn đó, lòng quyết tâm, của một vị tướng càng mạnh mẽ hơn. Ông tập hợp quân lính đánh chiếm các đồn bốt, giết những tên tay sai gian ác của giặc, làm cho bọn việt gian lo sợ không yên. Nhưng với một lực lượng quân sỹ ít không thể chống trả nổi sự tàn bạo, dã man của quân xâm lược Pháp, phong trào Cần Vương dần dần bị lắng xuống và tan rã.
Tuy phong trào Cần Vương bị thất bại, các văn thân, sỹ phu yêu nước, người bị bắt, người bị giết nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và ngọn lửa hồng truyền thống ấy luôn luôn cháy rực trong lòng nhân dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Đến khoảng ngày 28,29 tháng 9 năm 1888, khi hay tin vua Hàm Nghi bị bắt và bị giải về Đồn Thuận Bài, Quảng Trạch, Ông và một số đề đốc khác đã đến bái kiến vua và nộp mình. Tuy nhiên, Ông vẫn không chịu nhận niên hiệu vua mới Đồng Khánh mà chỉ lấy niên hiệu vua Hàm Nghi. Đầu năm 1891, cụ Lê Trực đã phải giải hoà với Pháp để bảo vệ cuộc sống cho dân lành. Phong trào Cân Vương Quảng Bình kết thúc.
Lê Trực mất tại quê nhà vào tháng 6 năm Đinh Mẹo (1918), tại làng Thanh Thủy, Tuyên Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình-Hưởng thọ 90 tuổi. Thi hài của Ông và hai người vợ được an táng tại quê nhà, nay tại thôn Bàu 1- xã Tiến Hóa-Tuyên Hóa-Quảng Bình. Lê Trực mất ở quê nhà nhưng tên tuổi ông vẫn gắn liền với những địa danh như tên làng, tên phố, tên đường. Hình ảnh, công lao cùng ý chí kiên cường của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân.
Để tưởng nhớ một người con trung với nước, hiếu với dân, tận tuỵ, gian khổ một lòng vì tổ quốc, giang sơn, nhân dân và bà con đã góp công, góp của để xây dựng nhà thờ, mộ của Ông vào năm 1912.
Nhà thờ được xây theo hình chữ Đinh, có cấu trúc rất đẹp, nhìn từ bên ngoài vào qua các ô cửa vòm sẽ thấy được các đường nét hoa văn, hoa lá, mây trăng, rồng phượng rất tinh tế, các mái lượn cong, trần cuốn vòm thể hiện màu sắc tráng lệ, thoáng mát. Nhưng qua thời gian và sự thay đổi của khí hậu, lại trải qua hai cuộc chiến tranh nên phần mái và nóc nhà thờ bị xuống cấp, được bà con tu sửa lại vào năm 1968, năm 1985.
Khu Di tích Mộ và Nhà thờ Đề đốc Lê Trực đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc Gia, theo Quyết định số 774/QĐ-BVHTT, ngày 21 tháng 6 năm 1993.
Sau ngày được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá, Lăng Mộ và Nhà thờ được tôn tạo lại bằng kinh phí của Bộ và Sở Văn hoá Thông tin từ ngày 28-3-1996 và làm đường giao thông vào khu Di tích để thuận tiện cho việc tham quan.
Hiện nay, Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Mộ và Nhà thờ Đề đốc Lê Trực còn khá nguyên vẹn theo kết cấu và hình thức ban đầu. Và do bác Lê Từ, tộc trưởng họ Lê và là hậu duệ đời thứ tư của Cụ Lê Trực trông giữ, chăm sóc. Du khách có thể đến tham quan,viếng Mộ, thắp hương tại Nhà thờ vào các ngày Rằm, lễ, Tết.
Di tích Lịch sử Mộ và Nhà thờ Đề đốc Lê Trực có giá trị tiêu biểu trong việc lưu niệm, ghi dấu ấn một võ tường, người con quê hương Quảng Bình, trung kiên, quả cảm, hết lòng trung quân, ái quốc, luôn nêu cao khí tiết hào hùng của dân tộc. Di tích là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của cha ông, là tấm gương sáng cho con cháu đời đời noi theo. Di tích còn có giá trị trong việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc, điển hình của một kiểu nhà thờ tại làng quê Quảng Bình.