Đại Phúc Thần Miếu – Điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc ở Lệ Thủy
Đại Phúc Thần Miếu tọa lạc ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc trên quê hương Quảng Bình. Ngôi miếu được xây dựng trên nền am Hạ Đông xưa, như gốc rễ kết nối giữa nét hiện đại với mạch nguồn văn hóa xưa cũ.
Ngược dòng lịch sử, làng Đại Phong ngày nay vốn là làng Đại Phúc Lộc thuộc phủ Tân Bình xưa còn quen gọi là Kẻ Đợi. Mảnh đất này mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo được tiếp biến, giao thoa giữa các nền văn hóa Đại Việt – Chăm Pa, Đàng Trong – Đàng Ngoài… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hợp tác xã Đại Phong là ngọn cờ đầu nông nghiệp toàn miền Bắc vang tiếng một thời, 2 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đặc biệt, về tín ngưỡng dân gian, Đại Phong xưa có miếu Long Vương, miếu Bổn Thổ, miếu Tứ Vị, điện Khổng Tử, miếu Thành hoàng… Ấn tượng nhất là các công trình kiến trúc Phật giáo đã hiện diện trong đời sống của người Đại Phúc Lộc xưa như am Hạ Đông, chùa Đại Phúc.
Trải qua nhiều đổi thay của thời thế, sự tàn phá của thời gian, hậu quả của bom đạn chiến tranh, từ một làng quê hội đủ các công trình kiến trúc tâm linh, nhiều năm liền, những bóng chùa, dáng miếu cổ xưa chỉ còn hiện diện trong ký ức và hoài niệm các. Duy chỉ có am Hạ Đông là còn khuôn viên, cảnh quan cũ.
Làng quê Ðại Phong nép mình bên dòng Kiến Giang giờ đây yên bình, dung dị. Nhưng với mỗi một người con Đại Phong họ vẫn luôn đau đáu về việc phục dựng, hồi sinh những giá trị xưa cũ ấy. Bởi qua đó, người dân trong làng được nhắc nhớ về cội nguồn, sống đùm bọc lẫn nhau. Điều quan trọng hơn cả là lớp trẻ hiểu được truyền thống của làng, của xã, từ đó khơi dậy, bồi đắp thêm cho chúng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Nhưng những điều kiện về khách quan và chủ quan chưa đủ để có thể phục dựng công trình tâm linh nào đó một cách công phu nhất.
Vợ chồng anh Phan Văn Điện và chị Đặng Thị Trà, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm là những người con xa quê thành đạt, luôn một lòng hướng về quê hương. Chính anh chị đã chủ động xin được phục dựng lại am Hạ Đông thành trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng Đại Phong. Ý kiến đưa ra được sự đồng thuận của chính quyền các cấp và sự hoan hỉ của nhân dân, đặc biệt là các bậc cao niên.
Địa điểm xây dựng trên nền khuôn viên của am Hạ Đông cũ. Tuy nhiên, do chưa thể phục dựng tất cả các cơ sở thờ tự như trước đây nên quyết định đưa chung các vị thần linh về một nơi và phân cấp các ngôi thờ dựa trên cơ sở các tín ngưỡng nguyên thủy của làng. Cũng vì lẽ đó, không thể lấy lại tên cũ am Hạ Đông cho địa chỉ tâm linh này mà đặt tên mới là Đại Phúc thần miếu phù hợp với tín ngưỡng đa thần và quy mô của một công trình văn hóa tâm linh đại diện cho làng.
Đại Phúc thần miếu gồm 13 hạng mục với tổng diện tích gần 2.250 m2, bề thế với năm gian, ba tầng, mái lợp ngói âm dương, các nét chế tác, trang trí giao hòa giữa phong cách kiến trúc dân gian thời Lê – Nguyễn.
Các công trình thuộc quần thể như Nghi Môn, Long Đàm, Phúc Tỉnh, Tả Vu là nơi thờ tự của các Mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cổng miếu được xây dựng theo lối kiến trúc của Phật giáo gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ đối xứng nhau.
Bên trong nhà thờ miếu thờ tượng Phật, Thánh Mẫu, thần linh. Nội thất được sắp xếp trong miếu toát lên 1 vẻ cổ kính và trang nghiêm.
Trong khuôn viên của Đại Phúc thần miếu vẫn còn đó hàng cây bún cổ thụ hàng trăm năm tuổi, như chở che, bao bọc công trình tâm linh của làng. Mỗi mùa xuân về, hàng bún nở hoa, ngả bóng xuống khuôn viên ngôi miếu linh thiêng và yên bình.
Có dịp đi du lịch Quảng Bình về Đại Phong hôm nay, đường làng ngõ xóm trải nhựa phẳng lỳ, sạch đẹp, nhà cao tầng mọc san sát nhau, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ghé thăm Đại Phúc Thần Miếu, du khách sẽ được hòa mình vào không khí trong lành, cảnh vật thanh tịnh mang lại cảm giác an nhiên lạ thường.
Cùng với chùa Hoằng Phúc, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại Phúc thần miếu hứa hẹn sẽ là điểm đến về văn hóa tâm linh hấp dẫn trên quê lúa Lệ Thủy.
Ảnh: Lệ Thủy Quê Tôi