Nhộng tằm lá sắn món ngon ở vùng cao Quảng Bình
Tuyên Hóa và Minh Hóa là hai huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà còn lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú của đồng bào vùng cao. Con tằm lá sắn được xem là đặc sản Quảng Bình. Con tằm có giá trị dinh dưỡng cao, lại được nuôi bằng lá sắn, là một loại thực phẩm sạch, nên rất được khách hàng, không chỉ ở Quảng Bình mà các nơi đều rất ưa chuộng.
Nghề nuôi tằm ăn lá sắn
Cây sắn được trồng nhiều ở các huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa chủ yếu lấy củ chế biến tinh bột hay thức ăn gia súc. Ngày nay người dân nơi đây trồng sắn còn tận dụng lá để nuôi tằm. Khác với tằm lá dâu thân hình bé nhỏ nhẵn nhụi, tằm lá sắn có kích cỡ lớn hơn khoảng bằng ngón tay của người lớn, gai góc tua tủa chạy thành hàng từ đầu xuống chân.
Hàng năm, cứ bắt đầu vào tháng 5, người dân địa phương bắt đầu “chưng” (ươm) giống để vào vụ nuôi tằm ăn lá sắn. So với tằm lá dâu thì tằm lá sắn mang lại hiệu quả cao bởi lá sắn – thức ăn cho tằm dễ tìm kiếm, giá rẻ, con tằm dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, ít dịch bệnh. Để nuôi con tằm ăn sắn, người nuôi không cần nhiều vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong tre, dành một phần diện tích làm khu nuôi và trồng thêm nhiều sắn là có thể nuôi tằm được. Mỗi gói trứng tằm giống có giá chỉ vài chục ngàn đồng, sau 1 tháng nuôi sẽ cho người nuôi thu hoạch khoảng 20kg tằm với giá bán trung bình khoảng 120.000 – 160.000 đồng/kg.
Tằm sắn là loại côn trùng giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho). Theo đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm ngậy, tính ấm, được dùng làm thuốc bổ thần kinh, dành cho người ăn ngủ kém, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, cơ thể suy nhược…
Dân gian từ lâu đã biết nhộng tằm có công dụng trị phong, cho nên khi thấy tứ chi, gân cốt bị phong, nhức mỏi, tê, hoặc bị chứng đầu phong, chóng mặt, người ta thường dùng nhộng tằm nấu với rượu để ăn chữa bệnh. Người không ăn được nhộng tằm, dùng nó nấu với rượu, rồi lấy rượu đó xoa bóp, cũng có hiệu quả trừ phong, trừ đau nhức rất tốt.
Các món ăn chế biến từ tằm lá sắn
Con tằm chín có thể chế biến thành một số món ngon dùng làm mồi nhậu hoặc ăn với cơm trắng. Tại địa phương, tằm chủ yếu được chế biến thành các món truyền thống như: rang, chiên giòn hay xào lá lốt…. Con tằm ăn lá sắn có màu vàng ươm, phần thịt bên trong có màu trắng ngà và quanh mình với đầy gai chi chít. Thoạt nhìn với những ai chưa từng tiếp xúc cảm giác sẽ rất e ngại, nhưng một khi đã thưởng thức chắc chắn sẽ còn những lần sau nữa.
Tằm luộc chọn con tằm đã chín không ăn lá nữa và bắt đầu nhả tơ đem rửa sạch rồi bỏ ít muối đem luộc đến chín tới, có thể cho thêm ít gừng và nghệ vào luộc cùng để tằm có màu vàng bắt mắt và thơm hơn. Tằm chín cắt bỏ đầu chân rồi thái nhỏ ít lá chanh rắc lên tằm, trộn cho mùi hương lá chanh ngấm đều khắp rồi pha nước nắm chanh tỏi ớt là sử dụng được, tằm luộc giữ được hương vị nguyên thủy của món ăn có vị ngọt ngon thơm mùi tằm tươi. Tằm mang hương vị đậm đà khi được chế biến với hương lá chanh nồng nàn, tạo sự kích thích về khứu giác và vị giác.
Món tằm chiên giòn cũng rất đơn giản, sau khi sơ chế bằng cách rửa sạch và trần qua cho tằm nhả hết tơ thì đem cắt bỏ đầu chân, bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào và để lửa ở mức vừa phải. Đợi đến khi dầu nóng già thì bỏ tằm lá sắn vào và chiên, thỉnh thoảng đảo sơ qua để tằm có màu sắc và chín đều. Sau khi chiên trong khoảng 3 phút con tằm sẽ co lại, trông giòn hơn. Tằm chín thì vớt ra đĩa và rắc lá chanh lên, món này ăn nóng sẽ rất ngon, dùng làm món nhậu rất thích hợp.
Với món tằm rang thì sau khi sơ chế ta chuẩn bị một ít lá chanh hoặc lá lốt rửa sạch thái nhỏ, tằm sau khi sơ chế bỏ tằm vào chảo, không cho dầu, thêm chút bột canh vào đảo, đợi tằm ra nước thì thêm chút mắm cho thơm đảo đều cho tằm ngấm gia vị, hơi sém cạnh thì cho dầu ăn vào chảo đảo vàng lên. Khi tằm đã vàng đều thơm, cho lá chanh hoặc lá lốt thái nhỏ vào nêm nếm lại rồi đảo thêm một chút là được. Những con tằm sắn rang khéo tay cho màu vàng ươm bắt mắt. Chất tơ còn lại trong bụng tằm lên màu đỏ vàng như lòng đỏ trứng gà còn tươi. Khi ăn, chất tơ và cả con tằm dẻo quánh, có vị bùi bùi và thơm lừng mùi lá chanh trên đầu lưỡi ngon đến kỳ lạ.
Nhộng tằm xào lá lốt vừa béo vừa thơm. Hương vị bùi, béo của nhộng tằm hòa trong cái hương thơm thanh mát của lá lốt mang đến cho bạn món ăn ngon miệng trong ngày nắng nóng. Phi thơm dầu với hành băm rồi cho nhộng vào xào nhanh tay, xào cho nhộng săn lại. Cho tiếp lá lốt vào đảo đều trong khoảng hai phút để món ăn dậy mùi thơm. Cần đảo nhẹ tay để không làm nhộng bị dập. Nêm lại gia vị cho vừa ăn, rắc lên ít tiêu bột rồi tắt bếp. Nhộng xào lá lốt có vị béo, bùi của nhộng quyện cùng vị tươi non và hương thơm thoang thoảng của lá lốt, ăn kèm cơm nóng rất ngon và lạ miệng. Ngoài ra, đây còn lá món lai rai rất lý tưởng khi kèm thêm vài cái bánh tráng nướng.
Thưởng thức tằm lá sắn không hẳn chỉ là thưởng thức một thứ quà quê mà còn cảm nhận cả cái tình của người dân địa phương thật thà mến khách. Mỗi khi có dịp du lịch Quảng Bình đến thăm 2 vùng đất Tuyên Hóa và Minh Hóa nếm thử hương vị ẩm thực của miền sơn cước sẽ đem lòng say chẳng muốn quay về.