Khám phá Hang Én – Suối Rào Thương ở Phong Nha Kẻ Bàng
Du lịch Rào Thương – Hang Én du khách sẽ được chứng kiến bản hợp ca trữ tình của sông – suối – núi non Phong Nha – Kẻ Bàng với vẻ đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách sẽ có cơ hội để thưởng ngoạn vẻ đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, dòng Rào Thương trong xanh quyến rũ, những cảnh quan với vẻ đẹp bất tận mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng trong hành trình đi bộ đến với Hang Én, một trong những hang động kỳ vỹ trong hệ thống 300 hang động lớn nhỏ ở khu vực núi đá vôi thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng,Quảng Bình. Du khách cũng có cơ hội để trải nghiệm cuộc sống phong tục của dân tộc Bru Vân Kiều sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Từ trung tâm văn hóa và sinh thái du lịch Phong Nha, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây du khách sẻ bắt đầu chuyến hành trình khám phá hang Én . Con đường vào hang Én đi qua một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, giữa tiếng chim kêu, vượn hót và bướm bay giập dìu. Khi trèo đèo lội suối, lúc men theo những lối mòn thoắt ẩn thoắt hiện trong khu rừng rậm rạp, dưới chân là thảm lá mục ken dày tỏa hương ngai ngái.
Hành trình xuyên rừng nguyên sinh
Những sinh vật lạ lẫm, những thân cây cao vút, vươn thẳng lên trời xanh đón nắng, sự tĩnh lặng của núi rừng…. Không gian tinh khiết và trong trẻo, những tia nắng dù tinh nghịch, tò mò đến mấy cũng chỉ có thể chạm đến vòm cây cao vút mà thôi. Sau gần ba giờ đồng hồ băng rừng, vượt qua quãng đường dài khoảng 4km, bạn sẻ dừng chân ở bản Đoòng…
Bản Đoòng
Bản Đoòng là một bản nhỏ của người Vân Kiều sống gần như biệt lập trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Với 6 hộ dân và 21 nhân khẩu, cộng đồng dân cư bản Đoòng thanh thản và vô ưu sống cuộc sống tự cung tự cấp như đồng bào mình hàng trăm năm trước. Ông Nguyễn Sỹ Tòa, 64 tuổi, người được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Thuần phác và hồn nhiên, cộng đồng người dân tộc Vân Kiều ở bản Đoòng như một nốt nhạc lạ trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ thú của bạn…
Rời bản Đoòng, du khách tiếp tục chinh phục chặng đường thứ hai dài gần 5km để đến hang Én. Chặng này không còn nhiều đèo dốc hiểm trở mà thay vào đó là những cánh rừng thưa, thảm cỏ dại đan xen những khóm rau tàu bay, chuối rừng cùng dòng suối Rào Thương trong xanh, thơ mộng chảy uốn lượn, quanh co.
Băng qua những cánh chuối rừng
Rào Thương hay còn gọi là suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn. Dòng suối này không sâu, có nhiều bãi bồi. Nước suối mát lạnh và rất trong, giúp du khách có thể quan sát những đàn cá bơi lội tung tăng. Hai bên bờ suối là những rặng núi đá vôi nối tiếp nhau đan xen với những cánh rừng thưa trải dài ngút tầm mắt làm hứng thú thêm cho việc dấn thân đến với hang Én.
Suối Rào Thương
Con suối Rào Thương mềm mại uốn lượn dưới rặng núi đá vôi giữa hai bên tán rừng cổ thụ. Từ xa, nhìn con suối như chui sâu vào núi. Rào Thương như nàng thiếu nữ tinh nghịch mải miết chơi vơi trốn tìm. Lúc uốn lượn quanh co, khi mất hút giữa hai vách núi, lúc lại bất ngờ trải rộng mênh mông đến vài trăm thước rồi lại nhanh chóng lẩn khuất giữa những tán rừng rậm rạp.
Cửa ra hang Én nhìn từ xa
Men theo những vách đá dựng đứng, những khoảnh rừng thưa còn in dấu chân muông thú và rồi Hang Én bất ngờ hiện ra sau một góc khuất…Cửa ra hang Én đã ở phía trước, nhìn từ xa, giữa mênh mông núi rừng, miệng hang Én mở ra như một sinh vật khổng lồ mà bạn chỉ là những con người nhỏ bé trước vẻ vĩ đại và bề thế của nó.
Cửa vào hướng đông nam của hang rộng gần 100m, được ngăn đôi bởi một trụ đá khổng lồ. Ngay tại cửa hang có bãi trầm tích của đá cuội, đá sỏi tuyệt đẹp, rộng mênh mông.Đá như yên ngủ rất lâu, nó chỉ xáo trộn dưới những bước chân người có mặt ở cửa hang. Xung quanh cửa hang là rừng cây xanh mát, rất thích hợp cho việc cắm trại. Hang Én được mô tả lần đầu vào năm 1994 bởi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh với độ dài 1.645m, nhiều chỗ rộng hơn 170m, và cao đến 120m.Nhưng chỉ bằng những con số, bạn sẽ khó để hình dung vẻ đẹp mê hồn của nơi này.
Cửa hang ngăn đôi
Hang Én có 3 cửa, 1 cửa nằm ở lưng chừng núi, 2 cửa còn lại nằm ở chân núi, trong đó có một cửa vào hướng đông nam và một cửa ra hướng tây bắc. Hai cửa hang ở chân núi đều hướng theo dòng chảy của suối Rào Thương. Đây chính là đặc điểm hiếm thấy so với nhiều hang động khác ở Việt Nam. Sở dĩ hang có tên là Én vì nơi đây có nhiều chim én sinh sống. Hang Én đã trở nên quen thuộc với người dân bản địa từ rất lâu bởi đây đã từng là nơi cư trú của tộc người Arem từ hàng ngàn năm trước. Trước đây, khi người Arem vẫn còn sống tại hang Én, hàng năm, cứ vào mùa én làm tổ, người Arem thường trèo lên vách đá và trần hang để bắt chim én non làm thực phẩm. Bây giờ, tuy người Arem đã chuyển về định cư gần đường 20 Quyết Thắng, nhưng cứ đến ngày rằm tháng năm âm lịch, họ lại trở về hang Én tổ chức lễ hội ăn én để tạ ơn thần rừng, thần núi.
Vào trong hang, du khách sẽ thấy ba hồ nước được ngăn cách bởi những bãi bồi nhỏ và những dãy đá tảng xếp chồng chất lên nhau. Trên trần hang, vách đá có nhiều thạch nhũ muôn hình vạn trạng và đặc biệt là tổ chim én.Chiều tà, hàng ngàn hàng vạn cánh én chao liệng ở cửa hang. Tiếng kêu líu ríu của chúng như bản hòa âm giữa rừng xanh tuyệt mỹ, khiến hang động to lớn không hề cô liêu.
Hang Én rộng lớn
Thạch nhũ trong hang không khổng lồ bởi dòng chảy của các dòng lũ bào mòn từ hàng triệu năm qua. Nhưng dòng suối trong hang mới kỳ diệu, là dòng suối Rào Thương tiếp tục chảy quanh co, uốn lượn theo hình chữ S, vượt qua những bãi bồi thấp, những kẽ đá, lúc ẩn lúc hiện trong hang Én. Từng đụn thạch nhũ đủ hình dáng, màu sắc nằm rải rác khắp nơi . Dòng chảy của nó như dùng dằng không muốn rời lòng hang kỳ vĩ này.
Suối Rào Thương lúc ẩn lúc hiện
Từ cửa hang vào sâu khoảng chừng 1km, một hố sụt trầm tích đã tạo ra giếng trời, mang nắng trời chiếu rọi xuống dòng suối màu ngọc bích, vẽ thành một bức tranh tráng lệ. khung cảnh cứ như chốn bồng lai. Cảm giác thấy mình thật nhỏ bé trước một hang động kỳ vĩ đến vậy.Hơi lạnh của nhũ đá, sắc xanh ngọc bích của dòng nước lạnh mà bạn phải trầm mình xuống để vượt qua bờ bên kia khiến người cứ lâng lâng, như đang lơ lửng ở miền cổ tích.
Du khách khám phá Hang Én
Cửa ra của hang Én là một vòm cửa gần tròn đẹp mê hoặc. Một cánh cửa hùng vĩ lạ kỳ, một cánh cao 83m, rộng 35m đã làm cho đoàn thám hiểm ngỡ ngàng: “Nó thực sự hùng vĩ. Chúng tôi chưa hề thấy một cửa hang nào như thế. Con người quá nhỏ bé trước cửa hang này”. Đây cũng nơi mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter chọn làm chủ đề để bấm máy nhằm cho ra đời tác phẩm động hang Én, đã được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3/2011.
Tác phẩm động hang Én của nhiếp ảnh gia Carsten Peter
Nét độc đáo riêng của hang Én mà động Phong Nha lẫn động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Hang Én như một thế giới thần tiên của kỳ hoa dị thảo. Từ trong hang nhìn ra cửa hang Én có thể thấy cảnh quan sinh động, bãi cát rộng rãi và xa xa là cả cánh rừng nguyên sinh xanh mát…
Cánh rừng nhìn từ trong hang
Theo các chuyên gia địa mạo, Hang Én, bên cạnh vẻ đẹp mê hồn của mình, còn mang trọng trách thoát lũ cho thung lũng bản Đoòng. Nếu không có Hang Én như một nút mở khổng lồ, khi mùa lũ về, nước lũ từ thượng nguồn sẽ biến bản Đoòng thành một đầm lầy ngập nước… Các chuyên gia địa mạo nói nếu không có hang Én, việc thoát lũ ở thung lũng bản Đoòng trở thành nan giải và rất có thể nó trở thành đầm lầy nguy hiểm. Nhưng sư xuất hiện của hang Én đã đưa lại sự sống cả một thung lũng rộng lớn cả trăm héc ta. Vào hang Én, các nhà khoa học cũng nhìn thấy một cách di cư khác của thực vật vào lòng hang. Những hạt mầm của dương xỉ, cây cối khác theo dòng lũ lớn hằng năm vào hang, chúng trôi nổi theo dòng nước và bám vào các kẽ đá để rồi, khi nước rút, chúng bắt đầu cuộc sinh sôi mới trong hang động một cách ngoạn mục. Với hang Én, Hiệp hội hang động hoàng gia Anh cho rằng, đó là hang động hùng vĩ, một mẫu chuẩn của vận động vỏ trái đất còn sót lại hàng trăm triệu năm.
Bạn hãy đến Rào Thương – Hang Én để khám phá hang động kỳ vỹ này để được hòa mình vào cảnh rừng núi thiên nhiên nguyên sơ của vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tiếng chim rừng líu lo, tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió xào xạc của rừng cây sẻ xua tan mọi lo âu cuộc sống thường nhật . Kết hợp với các hoạt động như cắm trại, câu cá , tắm suối quan sát Voọc , tham quan bản Đoòng một bảng làng vùng cao cảm nhận những nét sinh hoạt vẫn còn rất hoang sơ của người dân tộc trong lòng di sản. Thưởng thức những món ăn dân dã của người dân địa phương như Xôi và gà luộc, Rau tàu bay được hái dọc đường trở thành món canh mát dạ, cá ở con suối Rào Thương nướng trên bếp lửa hồng thơm lừng chắc chắn dù đi về đâu bạn cũng sẽ thấy nhớ chặng đường đến Rào Thương – Hang Én. Và tất nhiên là nhớ cả những món ăn bình thường nhưng mang dư vị rất đặc biệt của Phong Nha – Kẻ Bàng…
Chuyến đi vất vả và khó nhọc , tuy mệt nhưng cảm giác thật mới mẻ . Hang Én chắc chắn sẻ gây ngạc nhiên cho bạn bởi nó quá lớn, đi trong lòng hang tối om giữa ngổn ngang đất đá, mùi dơi hăng hắc nồng nặc, khiến bạn có cảm giác mình như một nhà thám hiểm thực sự.Và bạn, còn chần chừ chi nữa mà không bắt đầu khởi hành đến với Hang Én – Rào Thương?