Bến phà Long Đại – Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn Bến phà Long Đại
Bến phà Long Đại là một điểm tham quan du lịch Quảng Bình ý nghĩa thu hút khá nhiều khách. Nơi đây ghi dấu những chiến công hào hùng của các cựu chiến binh và những thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất Quảng Bình, bạn hãy ghé thăm Bến phà Long Đại để nhớ ơn những công lao và sự hy sinh to lớn của các anh hùng đã cống hiến cho Tổ quốc vì sự độc lập tự do của dân tộc.
Phà Long Đại ở địa bàn thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ Bắc), thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ Nam), huyện Quảng Ninh; nay ở vị trí Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, những chuyến xe vận tải từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam phần lớn phải đi qua điểm vượt sông trọng yếu này. Bến phà Long Đại là điểm vượt sông quan trọng ở phía Đông Trường Sơn, là “yết hầu” trong vùng chảo lửa quân khu IV. Nơi đây kẻ thù trút xuống hàng vạn tấn bom đạn, đủ các loại bom nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta trên tuyến vận tải quan trọng này. Hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để giữ cho mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt. Mỗi tấc đất ở bến phà Long Đại đều thấm đẫm mồ hôi, máu của Bộ đội, Thanh niên xung phong và nhân dân nơi đây.
Theo các tài liệu lịch sử, bến phà Long Đại là nơi giặc Mỹ thả quả bom đầu tiên bắn phá miền Bắc và là một trong những trọng điểm ném bom, bắn phá của chúng từ năm 1965 đến 1972. Trong khoảng thời gian này bến phà Long Đại được xem là tọa độ máu nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại. Để bảo đảm vận chuyển liên tục, tránh những khi bị địch đánh phá, tháng 1-1971, ở khu vực Long Đại được phát triển thành 2 bến phà: bến phà I (ở sát cầu Long Đại ngày nay) và bến phà II (ở hạ lưu sông Long Đại cách bến I khoảng 500m).
Bom địch giội trắng khắp khu rừng hai bên bờ sông, trong vòng bán kính 12km là đồi trọc. Ban ngày, máy bay trinh sát theo dõi sát sao từng di chuyển, biến động dưới mặt đất. Nếu có bất cứ sự di động nào đều được ghi nhận, lập tức máy bay từ các tàu chiến ngoài biển bay vào giội bom. Hàng ngàn tấn bom của đủ các loại máy bay từ thần sấm, con ma, B52, rồi pháo hạm từ ngoài biển bắn vào, hòng cắt đứt con đường vận chuyển của chúng ta. Đặc biệt, chúng sử dụng bom tia laze, bom từ trường, thủy lôi, đánh vào phương tiện vượt sông, phong tỏa luồng lạch, gây nhiều tội ác và thiệt hại cho bến phà. Với tinh thần chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến cùng với quân dân địa phương kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một li không dời”, dũng cảm đánh trả máy bay địch, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, bảo đảm thông tuyến.
Tháng 7-1972, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt tại bến phà Long Đại I và đường 15. Để giữ vững mạch máu giao thông được thông suốt, đơn vị C130 tỉnh Thái Bình được điều động đóng quân và thường trực ứng cứu tại đây cùng bộ đội công binh. Sống và chiến đấu tại nơi được mệnh danh là “túi bom”, là “chảo lửa”, nhưng các chiến sỹ TNXP của đơn vị C130 vẫn không hề nao núng, luôn giữ vững ý chí và quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Địch đánh, các cán bộ chiến sỹ vẫn bám trụ địa bàn. Địch đánh xong, ta cứu người, cứu hàng hóa, khí tài, người này ngã, người khác thay thế, tiếp tục làm nhiệm vụ thông bến, bảo đảm mạch máu giao thông.
Ngày 19-9-1972, trong lúc các chiến sỹ của đơn vị C130 tỉnh Thái Bình đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng tại bến phà II Long Đại thì máy bay Mỹ bất ngờ ném bom oanh tạc xuống khu vực bến phà, gây nên thiệt hại cho bến phà. Đặc biệt, đợt ném bom của máy bay Mỹ đã làm 15 chiến sỹ C130 hy sinh (7 nữ, 8 nam), trong đó có 3 chiến sỹ hy sinh khi đang vận chuyển hàng bằng thuyền từ bờ bắc sang bờ nam sông Long Đại; 12 chiến sỹ hy sinh ngay trên bờ của bến phà và trong hầm trú ẩn. Ngoài ra, còn một số chiến sỹ bị thương nặng. Sau khi máy bay giặc Mỹ ngừng ném bom, khu vực đơn vị đóng quân chỉ còn lại bãi đất trống với ngổn ngang hố bom. Các chiến sỹ đã khẩn trương đến khu vực hầm để đào bới thật nhanh với hy vọng đồng đội của mình vẫn an toàn, nhưng sau mỗi lớp đất, trái tim họ lại quặn thắt khi nhìn thấy đồng đội của mình nằm đó, có những người thi thể không còn nguyên vẹn. Toàn đơn vị đã biến đau thương thành hành động, vượt lên sự mất mát để tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Ngày 23-9-1972, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom xuống khu vực bến phà, chiến sỹ Trần Mạnh Hà trong khi đang làm nhiệm vụ đã hy sinh, nỗi đau của đơn vị C130 càng tăng lên gấp bội. Như vậy, sau hai đợt ném bom của đế quốc Mỹ, đơn vị C130 đã hy sinh 16 người. Các anh, các chị đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại bến phà II Long Đại ở thời điểm ác liệt nhất.
Nay “Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi” (trích bài thơ “Đêm qua phà Long Đại” của nhà thơ, liệt sỹ Vũ Đình Văn) đã nhường chỗ cho sự yên bình dọc hai bên sông Long Đại. Cây cổ thụ cuối làng từng là chứng nhân cho cuộc chiến ác liệt, nay lại soi bóng xuống dòng sông. Trên những hố bom xưa nay đã là những ngôi nhà khang trang. Ít ai biết rằng Long Đại từng là một trong những nơi khởi đầu cho phong trào “xe chưa qua, nhà không tiếc…”. Hàng trăm ngôi nhà đã được dỡ xuống để làm cầu, thông phà… Từ đổ nát, hoang tàn, những người con Long Đại đã làm hồi sinh mảnh đất chết! Long Đại ngày nay không còn tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn xé trời… Thay vào đó là tiếng cười của con trẻ, là vẻ đẹp trời ban: núi cao, sông sâu và tình người nghĩa nặng!
Để tri ân các anh hùng liệt sỹ hi sinh anh dũng tại bến phà, Báo Sài Gòn Giải phóng cùng nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã ủng hộ góp kinh phí xây dựng đền. Tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công.
Khu di tích được xây dựng bên cạnh đường Hồ Chí Minh với tổng diện tích 1.600m2, với thiết kế theo kiểu truyền thống kết hợp với hiện đại khá bề thế. Quần thể ngôi đền nằm trên triền núi phía Bắc phà Long Đại, phía trước dòng sông Long Đại chảy qua.
Đền gồm ba bộ phận: đền chính là nơi thờ tự linh hồn các anh hùng, liệt sĩ, trước đền chính là tháp báo ân và tháp chuông. Xung quanh đền là hệ thống bậc tam cấp, cây cảnh, vườn hoa được thiết kế hòa hợp với tự nhiên.
Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để khách khi du lịch Quảng Bình đến thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đến thăm đền, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hữu tình, và nhìn thấy nhịp cầu đường sắt Thống Nhất bắc qua sông Long Đại với chiều dài 178m (dài nhất Đông Nam Á những năm 70 của thế kỷ XX) và cầu Long Đại đông Trường Sơn chạy song hành với nhau như rồng lớn vượt sông. Nơi đây từ lâu được biết đến là một trong những cảnh quan đường sắt đẹp nhất Việt Nam.
Ảnh: Sưu tầm