Bản Tà Vờng – Điểm du lịch cộng đồng độc đáo của Quảng Bình

Bản Tà Vờng một điểm du lịch Quảng Bình độc đáo – nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá mảnh đất Miền Trung đầy nắng và gió. Bản Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào.

Từ trung tâm thành phố Đồng Hới, theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên quốc lộ 12A, rẽ vào một cung đường uốn lượn, qua chục ngọn núi đèo dốc quanh co đẹp như tranh vẽ sẽ lên đến đỉnh núi Chà Cáp. Ngay giữa thung lũng dưới chân núi này là bản Tà Vờng, cách UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình gần 30 km.

Bản Tà Vờng giữa núi non hùng vĩ – Ảnh: Dương Phong

Từ trên đồi cao nhìn xuống, bản nhỏ với mấy chục nóc nhà sàn khang trang, vững chãi hiện lên giữa khung cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, mờ ảo trong làn sương sớm nằm dưới chân dãy Giăng Màn trông vô cùng lãng mạn.

Lối lên được dân trong bản xẻ thành bậc thanh theo chiều dọc của ngọn đồi. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến đây là cảnh quan bản làng ngăn nắp đến lạ. Nóc nhà này nối nhà kia theo từng cụm, từ dưới sàn nhà ra đến lối đi được dân bản quét dọn sạch sẽ, gọn gàng mỗi ngôi nhà có một vườn rau tự trồng xanh mướt. Ngồi ở cửa sổ ngôi nhà sàn nào, cũng nhìn được núi và rừng, bởi bao bọc quanh Tà Vờng toàn là núi. Một bức tranh miền sơn cước thanh bình, mộc mạc làm đắm say lòng người.

Núi không chỉ là núi, mà những con suối tạo thành dòng thác nhỏ, chảy từ trên đỉnh núi xuống, rồi hòa vào con suối chảy ở phía lưng Tà Vờng. Con suối Tà Leng chảy róc rách hàng ngàn năm nay ngoằn ngoèo uốn khúc ôm lấy bản nhỏ cũng là nguồn nước nuôi cư dân bản địa. Với rất nhiều các bậc thác nhỏ, những bãi đá lổm nhổm, uốn khúc mềm mại, hai bên suối là những vạt cỏ xanh non, những bụi hoa dại ..càng làm cho con suối Tà Leng thêm quyến rũ.

Chẳng phải tự nhiên mà người ta bảo đây là ngôi làng trên mây bởi quanh năm nơi đây luôn chìm trong làn mây bồng bềnh. Khi hoàng hôn dần buông hoặc bình minh chớm hé, những đám mây trắng nhẹ như sà xuống ngay sát đỉnh núi, rồi len lỏi dưới mái nhà sàn, khiến cho khung cảnh trở nên thơ mộng khó tả.

Quanh năm nơi đây luôn chìm trong làn mây bồng bềnh

Vốn trước kia bản Tà Vờng ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con. Đặc biệt, năm 2010, cả một mảng núi phía sau bản bị kéo tuột xuống suối, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và nhà cửa của mọi người.

Nhận thấy những hiểm họa có thể đổ xuống bản bất cứ lúc nào, chính quyền và Bộ đội Biên phòng đã vận động bà con dân bản di chuyển khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi nhỏ nằm sát bên bản Dộ.

Bản Tà Vờng mới hiện tại có 25 hộ, với 136 khẩu, chủ yếu là thuộc tộc người Mã Liềng và Mày của dân tộc Chứt rất hiền hậu mến khách. Trưởng bản Hồ Khiên cho biết, từ lúc chuyển đến bản mới, trẻ em không còn phải bỏ học trong những ngày mưa lũ nữa. Có một trường tiểu học ở ngay sát chân đồi với sáu lớp, bình quân mỗi lớp có 15 học sinh. Ngay tại bản Tà Vờng cũng có một lớp mẫu giáo cho trẻ con trong bản đến học.

Người Mã Liềng và người Mày ở Tà Vờng vẫn giữ được những lễ hội như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới… Già làng Hồ Xếp nói, dù là bản mới nhưng các lễ hội truyền thống đã gắn với dân bản không mất đi. Cứ đến mùa lễ hội, trai gái trong bản ăn mặc đẹp, chuẩn bị chu đáo rượu, thịt để già làng làm lễ tế Giàng, trời đất, thần rừng.

Du lịch Quảng Bình, đến thăm Bản Tà Vờng, ngoài chìm đắm cảnh sắc và khí hậu trong lành, bạn còn được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân bản địa. Trực tiếp thực hiện những công việc thường ngày như giăng lưới bắt cá, giã chày, hái rau … Sau khi thu thập được một số “chiến lợi phẩm” đáng kể bạn có thể tận hưởng thành quả này một cách ngon lành bằng các món dân dã thơm lừng như cá khe nướng, cơm Pồi, hoa chuối rừng, rau rừng luộc… đúng chất miền sơn cước.  

Hiện tại, ngôi nhà của trưởng bản cùng với hai ngôi nhà khác trong bản được chọn làm nơi lưu trú cho du khách theo mô hình du lịch cộng đồng. Chỉ một đêm nương lại ở những ngôi nhà sàn giữa khung cảnh gió núi với mây ngàn, cùng trò chuyện đồng bào, nhâm nhi ly rượu cay nồng sẽ là những trải nghiệm thú vị đối với du khách.