Mùa nhặt hạt dẻ rừng Quảng Bình – Món quà từ thiên nhiên

Từ tháng 9 đến 11 âm lịch hàng năm, người dân ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa tỉnh Quảng Bình lại đổ vào rừng dẻ để nhặt hạt về bán. Khác với dẻ Trùng Khánh hạt rất to, ở Quảng Bình là loại dẻ thóc (hạt nhỏ), chỉ to bằng đầu ngón tay, khoảng chừng 1000 hạt mới được 1kg. Nhân bên trong màu trắng, ăn bùi, béo ngậy hơn.

Hạt dẻ rừng ở Quảng Bình là loạt hạt dẻ thóc

Hạt dẻ rừng Quảng Bình hấp dẫn nhờ hương vị thơm ngon từ tự nhiên, mang vị đặc trưng của vùng đất nắng gió. Hạt có giá trị dinh dưỡng cao gồm ít calo, chất béo nhưng giày khoáng chất, tinh bột, chất xơ có lợi cho sức khỏe. Đây là sản vật thường được khách du lịch Quảng Bình mua về để làm quà tặng, nếu bạn đã từng thưởng thức hạt dẻ rừng Quảng Bình chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi vị ngọt và bùi bùi rất khác biệt với hạt dẻ của những nơi khác.

Nhân bên trong màu trắng

Đặc điểm quá trình ra hạt của cây dẻ

Cuối đông, khi hầu như những cánh rừng ở Quảng Bình tuyền một màu xanh thẳm của màu lá, chúng ta rất dể dàng nhận ra những khoảnh rừng có cây dẻ trú ngụ. Bởi, thời gian này là mùa cây dẻ ra hoa. Trong những cánh rừng dẻ ở Quảng Bình, từng nụ hoa dẻ nở bung trên ngọn cây bé xíu như đồng tiền trắng phau, cả rừng dẻ bùng lên một màu trắng của hoa trông như đêm qua tuyết mới rơi, còn đọng lại chút bông tuyết trên những ngách lá xanh thẩm…

Khoảng chừng nửa tháng, khi những cánh hoa trắng rụng hết, cũng là lúc những nụ trái đã hé ra nhỏ xinh bé xíu nhưng vững chắc, náu mình trong những ngách lá, được chở che với những chùm lá dẻ xanh và dày.

Nhưng có điều rất kỳ lạ, những nụ trái đó sẽ không kết trái ngay mà náu mình trong những kẻ lá và phải đợi đến mùa thu sang năm, tức là khoảng hơn 9 tháng,  từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt dẻ non. Cứ như vòng đời của thai nhi trong bụng mẹ. Cứ như dẻ cũng mang nặng đẻ đau 9 tháng như người đàn bà. Cái chùm quả dẻ non ấy lớn dần trong nắng ấm. Đến khi chớm vào mùa đông thì hạt dẻ đã cứng cáp lắm, lại được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, cho đến khi hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, tự rơi xuống đất.

Cây dẻ thả mầm sống đã “mang nặng đẻ đau” 9 tháng ấy xuống đất, hào phóng ban tặng cho những người nông dân một mùa nhặt hạt dẻ ấm no.

Mùa nhặt hạt dẻ rừng của người dân Quảng Bình

Những ngày tháng 10, tháng 11 dương lịch, bà con đi nhặt dẻ đông vui như hội. Rừng dẻ um tùm, cây cao khoảng 4 m, mọc san sát nhau, lá ken dày chỉ để lọt từng sợi ánh nắng chiếu xuống mặt đất. Điều đặc biệt là rừng này chỉ có cây dẻ. Cứ sau mỗi mùa dẻ là rất nhiều cây con mọc lên, nhưng bị cây lớn che khuất ánh sáng nên không phát triển được. 

Ở trên cây, quả dẻ có hình như quả chôm chôm với nhiều gai nhọn. Đến mùa thu hoạch tháng 9-11 âm lịch, quả này khô đi, vỏ quăn lại, bong ra, để rơi hạt dẻ bên trong. Sau khi hạt dẻ rụng xuống lớp vỏ có gai “nán lại” trên cành một thời gian rồi cũng sẽ rụng theo, đây là dấu hiệu giúp nhận biết cây nào nhiều hạt. Người đi nhặt hạt dẻ cứ tìm đến những cây dẻ có nhiều vỏ cứng đang treo trên cây để nhặt hạt. Có nhiều cách để nhặt được nhiều hạt dẻ, mà thông thường là người ta rung thân cây dẻ hoặc dùng dụng cụ thúc mạnh vào thân cây để hạt rụng thêm xuống. 

Màu của hạt dẻ với màu của đất gần giống nhau nên việc nhặt hạt dẻ cũng không hề đơn giản, người dân phải còng lưng, căng mắt ra mới lượm được. Sơ sẩy cái là bàn tay vương máu ngay bởi gai từ vỏ quả châm vào đau buốt tựa kim.

Những hạt dẻ nâu đen, láng bóng được cho là ngon nhất, thường có vị ngọt bùi, thơm và chắc. Người dân chỉ cần dùng cành cây nhỏ, gạt lá rụng ở trên mặt đất là thấy chi chít hạt dẻ. Thấy cây nào nhiều hạt mà chưa rụng xuống thì bà con trèo lên rung cây cho hạt rụng.

Những hạt dẻ nâu đen, láng bóng được cho là ngon nhất

Cánh rừng dẻ Quảng Bình tồn tại từ xa xưa. Đời ông bà đã nhặt hạt dẻ về phơi khô, tích trữ vào chum để ăn thay cơm mỗi khi đói kém, mất mùa hay lụt bão. Khoảng 20 năm trước, hạt dẻ ít người mua, thóc gạo cũng dần đủ đầy nên người dân vào rừng chặt cây dẻ về làm củi, gỗ trong nhà. Rừng dẻ bị tàn phá, cho ít hạt đi. Sau đó chính quyền thấy được cái họa chặt rừng và ra lệnh cấm, từ đó dẻ mới tái sinh.

Thơm ngon hạt dẻ rừng Quảng Bình

Sau khi nhặt trên rừng về, người dân đem hạt dẻ rửa sạch bụi đất bám trên vỏ hạt và sàng lọc những hạt lép, xấu, chất lượng kém rồi mới đem đi bán. Giá trị của loại hạt này nằm ở nhân, khi ăn nhân có mùi thơm, bùi.

Hạt dẻ ăn ngọt bùi rất tự nhiên tốt cho sức khỏe.

Có dịp du lịch quảng Bình vào mùa thu hoạch hạt dẻ, đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh bạn sẽ thấy người dân bày bán hạt dẻ hai bên đường. Hoặc bạn có thể tìm mua hạt dẻ rừng tại các khu chợ địa phương.

Khi mang đi luộc, hấp hay rang lên hoặc cho vào lò nướng chín sẽ tỏa ra một hương thơm tự nhiên vô cùng cuốn hút khiến bạn phải dừng bước. Hãy thử tưởng tượng mà xem, trong tiết trời se lạnh của mùa thu thế này, nhất là khi bụng đang đói và cần một chút đồ ăn vặt cho bữa xế, lại bỗng nhiên ngửi thấy mùi hạt dẻ thơm lừng thì thèm thuồng biết bao.

Hạt dẻ Quảng Bình có vị ngọt bùi tự nhiên, sau khi được chế biến một cách khéo léo thì lớp vỏ bên ngoài nứt ra, để lộ một phần ruột đầy đặn. Hạt dẻ ăn ngọt bùi rất tự nhiên, lại mềm bở, thơm ngậy. Ăn hạt dẻ ngon nhất thì phải ăn lúc nóng, có như vậy mới thấy được hết cái ngon, cái thơm của nó.