Làng nghề chổi đót Lệ Bình – Lệ Thủy – Quảng Bình
Làng nghề chổi đót Lệ Bình ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình ra đời cách đây khoảng trước năm 1985. Vượt qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nghề làm chổi đót vẫn được lưu truyền, gìn giữ và không ngừng phát triển trên mảnh đất này.
Bà Lê Thị Lan, được coi là người khai sinh ra làng nghề này. Bà không phải là người bản địa nhưng lấy chồng ở làng này. Hồi ấy, kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng còn nhiều khó khăn. Với mong muốn giúp bà con bớt nghèo, bớt khổ, bà đã dạy bà con trong làng cách làm chổi đót để kiếm thêm thu nhập. Đến nay, trong làng có nhiều hộ biết làm chổi đót, có thu nhập ổn định, đời sống khá giả hơn nhiều.
Vào thời điểm nông nhàn nhất là độ tháng giêng, tháng hai âm lịch người dân đi khai thác đót buộc thành bó gánh về để làm chổi và đây cũng là thời gian sinh trưởng của cây đót cho chất lượng tốt nhất. Người dân Lệ Bình lại vào tận Khe Sanh – Quảng Trị hay sang tận giáp biên giới nước bạn Lào để thu mua nguyên liệu, về phơi khô và cất lên chỗ cao ráo để dùng làm trong năm. Trung bình mỗi hộ tiêu thụ từ 3-4 tấn đót khô mỗi năm (tương đương 9-12 tấn đót tươi). Du lịch Quảng Bình, về Lệ Bình những ngày này mới thấy hết không khí rộn ràng của làng nghề. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tượng người người quây quần bên hiên nhà làm chổi đót.
Chổi đót Lệ Bình chủ yếu được đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy, một số ít thương lái đem đi tiêu thụ ở Quảng Ninh, Đồng Hới và xa nhất là vào Đông Hà – Quảng Trị. Sau nhiều năm duy trì, chắt lọc kinh nghiệm và sáng tạo, đến nay nghề làm chổi Lệ Bình đã đứng vững trên thị trường, giải quyết được nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho nhân dân.
Chiếc chổi đót là đồ vật quen thuộc và hữu ích với mọi gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, để có được một chiếc chổi đót bền, đẹp thì phải trải qua nhiều công đoạn, khâu xử lý nguyên liệu, sự khéo léo của đôi tay người thợ.
Nguyên liệu chính làm chổi là cây đót, trong đó, màu sắc bông đót đặc biệt quan trọng, vàng quá hoặc xanh quá cũng không được, phải đều màu thì mới cho ra một cây chổi vừa ý. Đót làm chổi phải được phơi khô để tránh ẩm mốc.
Hiện nay do nhu cầu của người tiêu dùng nên người ta đã tạo ra nhiều kiểu dáng chổi và trang trí nhiều màu sắc khác nhau để đáp ứng thị hiếu về mẫu mã của khách hàng.
Hiện nay, ở Lệ Bình có khoảng hơn 30/110 hộ với gần 100 lao động làm nghề chổi đót. Nghề làm chổi phù hợp với nhiều lứa tuổi, đối tượng nào cũng có thể làm được, trẻ em có thể chẻ đót, phơi lượm; người già có thể vót mây, vào cán; thời gian làm nghề đót chủ yếu ở trong nhà, nên có thể tranh thủ bất kỳ lúc nào.
Với những đóng góp đáng kể của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh nhà, ngày 27 tháng 8 năm 2008, UBND tỉnh có Quyết định số 2075/QĐ-UBND công nhận làng nghề chổi đót Lệ Bình – Mai Thủy – Lệ Thủy là làng nghề truyền thống.
Dù khó khăn cực nhọc là thế, những người thợ làm chổi nơi đây vẫn miệt mài bám trụ với nghề, vẫn mong muốn cái nghề này tồn tại mãi góp phần làm nên nét tự hào của người dân Mai Thủy nói riêng, Lệ Thủy nói chung.