Núi Thần Đinh điểm du lịch tâm linh nổi tiếng linh thiêng của Quảng Bình

Khu di tích chùa Non – Núi Thần Đinh là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng linh thiêng của Quảng Bình. Những người thành tâm khi đến dâng hương, uống nước tại “giếng tiên” sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được ốm đau bệnh tật, cả năm làm ăn phát đạt. Có dịp đi du lịch Quảng Bình, bạn hãy dành thời gian đến Chùa Non để dâng hương cầu an uống “nước thánh”. Chinh phục đỉnh Núi Thần Đinh và ngắm nhìn phong cảnh hữu tình của dòng Long Đại hiền hòa thơ mộng.

Núi Thần Đinh bên dòng Long Đại thơ mộng

Núi Thần Đinh, còn gọi là núi Bất Nghĩa hay núi Chùa Non, ngự trị bên dòng sông Long Đại, thuộc thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thần Đinh nằm trong vùng đất thiêng được người dân địa phương gọi là “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. Tục truyền, khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại. Theo lý giải như thế nên Thần Đinh bị gọi là núi Bất Nghĩa do các núi ở Quảng Bình đều chầu về hướng nam, chỉ riêng Thần Đinh một mình quay về phía bắc, nên các vua chúa ở miền Nam buộc ngọn núi tội bất nghĩa.

Núi Thần Đinh, còn gọi là núi Bất Nghĩa hay núi Chùa Non

Từ phía xa, núi Thần Đinh sừng sững trông như đụn rơm khổng lồ bên dải lụa mềm óng ả. Núi nằm ở độ cao 405m so với mực nước biển, khá thuận tiện cho du khách leo núi ngắm cảnh thiên nhiên.

Từ trung tâm thành phố Đồng Hới, du khách có thể đi theo nhánh đông đường mòn Hồ Chí Minh hướng Nam khoảng 20 km đến xã An Ninh, sau đó rẽ phải theo đường nhựa khoảng 8 km qua cầu Long Đại Đông thì đến được chân núi.

Đường sắt, cầu Long Đại, Núi Thần Đinh nhìn từ trên cao

Để lên Chùa Non và chinh phục đỉnh núi Thần Đinh, du khách sẽ phải vượt qua khoảng 1265 bậc đá mất chừng khoảng 40 phút là lên đỉnh, hai bên đường là những hàng cây xanh mát. Dọc đường đi còn có hai ngôi mộ cổ được đắp đá rất đẹp. Ai đến đây cũng khấn vái thắp hương.

Đường lên núi Thần Đinh

Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng hơn 400m2, là nơi cách đây hơn ba trăm năm người xưa đã chọn để xây cất khu chùa Non. Do thời gian và chiến tranh di tích còn lại của chùa Non là ngôi miếu nhỏ, những bức tường, bệ thờ bám đầy rêu phong nằm dưới tán cây cổ thụ. Không khí trong lành trên đỉnh núi sẽ khiến con người trở nên thư thái, thoải mái, không vương vấn bụi trần.

Di tích còn lại của Chùa Non

Có chuyện kể rằng một pháp sư đã tu ở chùa Non, trước khi viên tịch thầy cắt một đốt ngón tay út, ghi chữ “Đinh” lên đó rồi đặt vào đáy lư trầm trong chùa. Phần còn lại của ngón tay thầy ghi chữ “Thần” rồi đọc cho đệ tử chép hai câu thơ: “Tiền kiếp tử Thần Đinh/ Hậu kiếp sinh Càn Long vương” (Kiếp trước chết ở chùa Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long). Kỳ lạ, đốt ngón tay bị cắt ra đó không hề phân hủy dù không được bảo quản gì. Mấy chục năm sau, vua Càn Long lên ngôi, ông cũng bị cụt mất một đốt ở ngón tay út. Nhà vua sai quân gia đúc một cái chuông đồng chở sang dâng tiến lên chùa. Nhưng khi thuyền vào cửa sông Nhật Lệ thì trời nổi giông tố nhấn chìm chiếc thuyền chở chuông. Một ngư dân chài lưới đã tìm thấy quả chuông vớt lên đọc được mấy chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” nên người này trao cho các sư ở chùa Non treo trong chùa. Một số người cho rằng hiện nay quả chuông chùa Non trên núi Thần Đinh đang được treo ở chùa Phổ Minh (ở TP Đồng Hới)?.Chiếc chuông của chùa Phổ Minh hiện nay là có thật, nhưng có liên quan với truyền thuyết trên hay không thì chưa ai khẳng định.

Sau khi thắp hương ở miếu cổ, du khách đến khu vực Giếng Tiên lấy nước uống, dòng nước trong vắt, mát ngọt. Gọi giếng nhưng chỉ là một hốc đá nhỏ, nhưng nước ở trong đó không bao giờ cạn dù hàng trăm người lấy liên tục hay những năm nắng nóng khô hạn nhất, nước cũng luôn đầy.

Người dân lấy nước ở ” Giếng Tiên”

Dân gian đồn nhau, nước đó là nước thánh, tích tụ từ các long mạch thiêng trên đỉnh núi. Dùng nước để rửa mặt hay uống vào sẽ mang lại nhiều may mắn. Ngày nay, du khách thập phương đến vãn cảnh núi Thần Đinh đều không quên mang theo mình chai nước để lấy nước từ giếng Tiên về uống bởi họ tin rằng đây là nguồn nước tinh túy nhất, nơi hội tụ long mạch linh thiêng của trời đất.

Vùng đồng bằng rộng lớn nhìn từ đỉnh núi Thần Đình

Hồ chứa nước Rào Đá nhìn từ phía Tây Núi Thần Đinh

Đứng trên đỉnh núi, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình và ngắm nhìn bao quát vùng đất Quảng Bình. Đứng trên núi nhìn xuống phía đông là vùng đồng bằng rộng lớn có dòng sông Đại Giang – đầu nguồn sông Nhật Lệ chảy uốn lượn nên thơ dưới cầu Long Đại. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng lúc ẩn, lúc hiện quanh co dưới chân núi, sau những rặng cây xanh. Khung cảnh thật tuyệt đẹp làm say lòng người !

Chinh phục đỉnh núi Thần Đinh