Nấm tràm Quảng Bình món ngon bổ dưỡng

Cứ vào độ mùa thu, du khách đến Quảng Bình đi khắp các chợ đâu đâu cũng thấy người ta bán một món ăn rất lạ, ít nơi nào có đó là nấm Tràm. Chỉ phổ biến ở miền Trung đặc biệt là Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, còn ở Miền Nam thì xuất hiện chủ yếu ở Phú Quốc và Hà Tiên.

Gọi là nấm tràm vì loại nấm này chỉ mọc trên những đám lá cây và bên thân cây Tràm.

Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối, khi thời tiết vào mùa ẩm, có mưa và nắng sẽ là điều kiện tốt để nấm tràm bắt đầu mộc lên. Vốn dĩ được gọi là nấm tràm vì loại nấm này chỉ mọc trên những đám lá cây và bên thân cây Tràm.

Mỗi năm, nấm tràm chỉ có hai mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch. Gọi là mùa vậy thôi, nhưng thực ra thời gian rất ngắn ngủi, chỉ độ khoảng dăm bảy ngày sau mỗi đợt mưa.

Nấm tràm chỉ có hai mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch

Vào thời gian này, người đi nhổ nấm tràm như đi hội vậy. Người người tấp nập lên những đồi tràm, bới lá tìm nấm. Nấm tràm lúc nhỏ có hình dáng múp máp đáng yêu, với cái mũ màu tím đội trên đầu với thân hình tròn trịa. Nấm nhỏ ăn có vị ngọt thanh, thơm và ngon. Lớn lên lại có hình dạng như cái dù và có màu nâu nhạt dần từ trong ra. Nấm lớn ăn sẽ có vị đắng và ngọt. Thời gian sống của nấm khá ngắn chỉ tầm năm bảy ngày, sau đó sẽ bị lụi tàn. Nên người bán nấm đến mùa sẽ phải rất chăm chỉ lên đồi tìm nấm.

Nấm tràm lúc nhỏ có hình dáng múp máp đáng yêu, với cái mũ màu tím đội trên đầu

Nấm tràm sau khi được hái về sẽ được người ta đem gọt bỏ đi phần chân, rồi cạo đi cái lớp màng phía bên ngoài của nấm để giảm bớt đi độ đắng. Sau khi đã cạo xong lớp màng bên ngoài của nấm, người ta đem đi rửa qua với nước lạnh một vài lần sau đó ngâm trong nước muối nhạt tầm 5 phút để loại bỏ đi những chất nhớt ở trong nấm sau đó đem nấu canh. Chỉ với ít nấm, ít rau lang hoặc rau muống, ít ruốc và lá lốt, lá trơng, ấy vậy là đã có thể nấu ra được một nồi canh nấm tràm với hương vị thơm ngon, lôi cuốn, giúp cho bữa cơm thêm ngon và đậm đà bản sắc quê hương.

Nấm tràm xào rau khoai ngon tuyệt

Canh nấm tràm có mùi vị rất thơm, rất thanh, thưởng thức một lần rồi thì nhớ hoài hương vị của nó. Món ăn này như tổng hợp đầy đủ những hương vị của ẩm thực của Quảng Bình: cay, đắng, thơm, ngọt,… Cảm giác đầu tiên cảm nhận được sẽ là đắng, nhưng sau đó lại có vị ngọt thanh mát, thơm và béo ngậy. Chính vị đắng của nám tràm đã làm nên hương vị đặc biệt của những món ăn có nó lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhắc nhỏ du khách khi ăn món này xong đừng vội uống nước. Hãy chờ lúc nào miệng không còn cảm giác đắng. Ngoài nấu canh, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món như nấu cháo, xào với các thực phẩm khác.

Cháo canh Nấm Tràm

Nấm tràm Quảng Bình, có thể được xem là một trong những nguyên liệu rất giá trị, bởi ngoài việc kết hợp tạo thành nhiều món ngon trong ẩm thực, nấm cũng là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Theo nghiên cứu thì Nấm Tràm có tác dụng chữa hiện tượng cảm cúm, nhức đầu, xoa dịu những cơn mệt mỏi còn có tác dụng giã rượu vô cùng hiệu quả. Hơn nữa loại nấm này còn được biết đến với tác dụng bồi bổ nội tạng bằng tinh dầu tràm bên trong . Bởi thế, trong những hành trình du lịch Quảng Bình, nếu trúng vào mùa nấm tràm, thì bạn đừng bỏ lỡ dịp thử qua những món ngon từ nấm tràm ở đây nhé.