Chiêm ngưỡng rừng lộc vừng 400 tuổi trị giá hàng trăm tỷ ở Lệ Thủy

Đến với làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi rừng lộc vừng cổ thụ có tuổi đời hơn 400 năm với nhiều dáng thế độc, lạ. Đến mùa hoa nở, từng chùm lộc vừng buông tỏa đỏ thắm, hương thơm phảng phất khắp đường làng ngõ xóm. Rừng lộc vừng đã trở thành điểm tham quan, chụp ảnh của nhiều khách khi đến du lịch Quảng Bình.

Rừng lộc vừng rộng 2 ha với khoảng 100 cây tỏa bóng um tùm trên mặt nước, có những cây to phải hai người ôm. Người miền Trung gọi lộc vừng bằng cái tên dân dã là mưng. Không ai biết chính xác độ tuổi của cánh rừng này, theo nhiều cao niên trong làng, rừng lộc vừng được tiền nhân làng Phú Thọ trồng khoảng 400 năm trước.

Khi lập làng đã có lộc vừng, rừng được trồng che gió, chắn sóng Kiến Giang bảo vệ làng vào mùa nước nổi. Cao niên Phú Thọ nói rằng, làng có thế con rồng bay lên, với đầu rồng nằm ở mũi Viết, thân rồng uốn lượn theo bờ Kiến Giang và vị trí rừng lộc vừng nằm ngay rốn rồng. Chính vì thế, rừng lộc vừng có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn với sự còn mất, thịnh suy của làng.

Qua 400 năm tồn tại, rừng lộc vừng Phú Thọ đã trở thành nhân chứng sống của nhiều biến cố lịch sử. Những năm kháng chiến, vùng đầm lầy trũng nước và xanh mướt màu lá trở thành điểm trú quân của bộ đội.

Với người dân nơi đây, rừng lộc vừng không chỉ là tài sản vô giá ông cha để lại mà còn là niềm tự hào, là “linh hồn” của làng quê nên rất trân trọng và ra sức bảo vệ. Các bô lão thôn Phú Thọ ra một “hương ước” dành riêng cho người dân trong thôn, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng và đưa ra kiểm điểm, làm gương trước cộng đồng. Ngoài hương ước, thôn Phú Thọ lập ra hẳn một ban bảo vệ gồm cựu chiến binh, công an viên của thôn… thường xuyên tuần tra, nhất là vào các thời điểm cây lộc vừng lên giá.

Trải qua bao đời, rừng lộc vừng ở làng Phú Thọ vẫn được bảo toàn. Có thời điểm, lộc vừng vào cơn sốt, khu rừng với những thế cây độc đáo được nhiều lái buôn trả lên đến cả tỷ đồng, nhưng chính quyền và người dân kiên quyết không bán.

Ngày nay, rừng lộc vừng trở thành không gian xanh, lá phổi của cả thôn Phú Thọ. Rừng còn là nơi nghỉ chân của người dân sau những giờ làm việc đồng áng, đánh lưới trên sông

Một năm hai mùa nở hoa, rừng lộc vừng nhuốm đỏ cả một vùng trời. Vào mùa thu, lá rừng úa vàng. Sang xuân, những chồi non đầy sức sống, đây là những thời điểm lý tưởng để du khách tham quan rừng lộc vừng.