Thăm làng nghề nón lá Quy Hậu trăm tuổi ở Lệ Thủy
Lệ Thủy là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, có địa hình đa dạng, hội đủ các yếu tố rừng núi, sông suối, đồng bằng và bờ biển, còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử của nền văn hóa truyền thống lâu đời gắn kết với làn điệu hò khoan, Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lễ hội chùa Hoằng Phúc… Đó là điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng và du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm. Lệ Thủy còn có những làng nghề thủ công truyền thống như: chiếu cói ở An Xá, đan lát ở Xuân Bồ, chổi đót Lệ Bình… Trong đó có làng Quy Hậu – Làng chằm nón lá nổi danh của vùng đất chiêm trũng Lệ Thủy, Quảng Bình.
Nghề làm nón tại Quy Hậu xuất hiện khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Theo lời các cụ già kể lại, người đầu tiên đem nghề nón về với Quy Hậu là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm), và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905 – 1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) may thuê. Chợ phiên Ba Đồn cứ bảy ngày nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà Tĩnh dồn về, nên rất phong phú. Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa nay thuộc Quảng Thuận.
Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình. Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga – một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.
Nón của làng ngoài tính thẩm mỹ thì yếu tố bền chắc được đặt lên hàng đầu để phù hợp với điều kiện kinh tế thuần nông và thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa bão, lũ lụt. Làng được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Nhiều năm trở lại đây, trong khi không ít nghề truyền thống bị mai một thì nghề làm nón lá ở làng Quy Hậu vẫn tiếp tục phát triển. Đây là sự duy trì và kế thừa nét đặc sắc văn hóa của ông cha ta để lại đến hôm nay.
Làng cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 45km, cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Kiến Giang không xa. Hỏi thăm Quy Hậu, ai cũng sẵn sàng chỉ đường. Dọc theo tuyến đường liên xã, làng nghề nón lá Quy Hậu nằm dọc bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Đến nơi, khách lạ cảm nhận như đây là một “đại công trường” chằm nón. Từ già đến trẻ, bất kể gái trai ai ai cũng đang chằm nón kiếm thêm thu nhập.
Để làm ra một chiếc nón lá đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn liên kết với nhau, hoàn toàn nhờ vào bàn tay khéo léo của người thợ. Bắt đầu quá trình sản xuất là công đoạn tìm tre. Cây tre phải đảm bảo được yếu tố khoảng cách giữa các mắt tre sao cho càng dài càng tốt. Sau đó cây tre được vót thành từng vành nhỏ để áp khít vào 16 vành khuôn theo thứ tự từ hình chóp nón.
Xong công đoạn này, người thợ bắt đầu chuyển sang việc làm lá, công phu và cần sự cẩn thận cao hơn. Cây lá nón sau khi lấy về phải được phơi qua nắng cho đủ độ khô và dai, rồi từng chiếc lá được bắt ra thành những bẹ lớn sau đó được đem đi “ủi” phẳng. Tùy vào kích thước của từng chiếc lá mà người thợ sắp xếp sao cho hợp lí nhất, lá được kết lên chiếc khuôn đã được vót tre sẵn trước đó rồi chuyển sang công đoạn chằm nón (hay còn gọi là may nón). Họ chọn những sợi cước – sợi gấc phù hợp, gửi vào từng đường kim mũi chỉ. Thoăn thoắt, nhẹ nhàng, họ ngồi bên nhau túm năm, tụm ba, vừa chằm nón vừa trò chuyện. Công đoạn khó nhất để tạo ra được một chiếc nón là công đoạn chằm, đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì , khéo léo và tỉ mỉ chỉ cần sơ ý một chút là lá nón sẽ bị nhăn và rách. Vì thế từng tay kim và những sợi chỉ trong suốt , thoăn thoắt cứ đưa lên đưa xuống làm cho những tấm lá trắng xanh như được dán vào bộ vành bằng một thứ keo vô hình. Khâu xong nón, đánh quai, chải dầu. Lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn làm cho nón thêm sáng, đẹp và chống thấm nước. Từ đây, chiếc nón bắt đầu cuộc hành trình của mình đến với người tiêu dùng gần – xa.
Tùy vào từng loại nón như: nón dừa hay nón lá… thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau và mức giá cũng khác nhau. Bình thường mỗi người làm được từ 2 – 3 chiếc nón/ngày. Chiếc nón lá Quy Hậu nổi tiếng mỏng nhẹ, dáng vẻ xinh xắn, màu sắc nhã nhặn, thật sự rất hài hòa. Chiếc nón lá trắng tròn trịa chỉ cần thêm một dải lụa mềm buộc làm quai nón đã tôn lên vẻ dịu dàng cho bao cô gái. Ngày nay cùng với sự phát triển du lịch, sản phẩm không còn đơn sơ như ngày nào, mà đã khoác lên mình những đường vẽ, nét thêu miêu tả hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Bình.
Du lịch Quảng Bình, đến Quy Hậu trải nghiệm các công đoạn chằm nón, du khách cảm thấy rất hấp dẫn. Ắt hẳn bạn sẽ không hối tiếc khi tự thiết kế cho mình một tour Quảng Bình về Lệ Thủy thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại xã Lộc Thủy) rồi ghé thăm làng nghề chằm nón Quy Hậu, sau đó đến di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy), ngược lên thăm đền thờ tưởng niệm liệt sĩ Phà Long Đại … Đừng quên mua vài chiếc nón làm quà lưu niệm nhé. . Nón lá của người Quy Hậu được lưu giữ bao đời nay, nghề nón xưa và nay vẫn một lòng sắt son, thủy chung, nhẫn nại, chịu thương chịu khó với quê hương. Đặc biệt, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất này, bạn cũng sẽ được nghe văng vẳng điệu hò khoan trữ tình, rộn rã.