Vẻ đẹp của dòng Sông Long Đại – Thác Tam Lu

Sông Long Đại bắt nguồn từ phía Tây dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình. Con sông dài chỉ 100 km mà có đến hơn 100 thác nước lớn nhỏ, độ dốc cao, nước cuồn cuộn, sông uốn lượn như rồng cuốn rồi đổ về đồng bằng qua các xã Trường Xuân, Xuân Ninh và Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) gặp dòng Kiến Giang ở ngã ba Trần Xá rồi cùng dòng Kiến Giang hòa vào dòng Nhật Lệ đổ ra cửa biển thành phố Đồng Hới.

Long Đại có nghĩa là Rồng Lớn, giọt nước đầu tiên của Long Đại ở trên đỉnh cao 1.001m thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy bên Tây Trường Sơn. Người Vân Kiều gọi tên nó và một phần khác của dãy Trường Sơn trên quê hương mình là núi Răng Lược. Nơi họ sống có chỏm núi bốn mái, một đổ về phía Lào, một đổ về phía Bắc, một đổ về phía biển và một đổ về phía Nam được gọi tên là Răng Lược trung tâm.

Núi Răng Lược như một bái vật giáo của người Vân Kiều ở Làng Ho, nó tượng trưng cho sức mạnh bền bỉ của con người ở bản làng xung quanh, đó cũng là ngọn núi đoàn kết và thủy chung của những tộc người sống ở vùng biên giới Lào – Việt.

Từ dãy Răng Lược, người Vân Kiều có nhiều truyền thuyết và tục lệ thể hiện qua các lễ hội, sinh hoạt dân gian từ dưới suối, trên rẫy, khi sinh nở và lúc qua đời. Một trong số đó là truyền thuyết lạ lẫm về nòi giống của họ: Từ rất xa xưa, Giàng đã sai thần Tha Xa Vắn cùng nữ Thơ Ly Chăn xuống khai phá đất đai. Hai người yêu nhau, sinh con đẻ cái ở vùng đất Làng Ho, tạo ra hậu thế Vân Kiều phía Việt Nam và Lào.

Có người kể rằng, hai vị thần này tạo ra dòng sông Long Đại để con cháu họ được hưởng dòng nước mát quê hương và có nước tưới tắm cây cối, trồng rẫy, sinh tồn. Vì thế mà với họ, Long Đại rất linh thiêng.

Trong chiến tranh dòng Long Đại cùng với quân và dân ta oằn mình gánh chịu không biết bao bom đạn của kẻ thù. Trên dòng sông này có 2 bến phà: bến phà Quán Hàu nối đôi bờ sông Long Đại, thông tuyến cho Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận Quảng Bình. Còn bến phà Long Đại ngày xưa lại thông tuyến cho cung đường Tây Trường Sơn, nằm phía Tây Quảng Bình. 2 bến phà này nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là những điểm bắn phá ác liệt của Mỹ nhằm cắt đường tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhân dân nơi đây có truyền thống anh hùng với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”. Mỗi tấc đất, mỗi bến đò hay bản làng nơi đây nay vẫn còn dấu tích của quá khứ hào hùng của người dân.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Bến phà Long Đại – Ảnh: Nguyễn Chiến

Ngược dòng Long Đại là một trải nghiệm rất thú vị. Dọc hai bên bờ sông là những bản làng của người Vân Kiều sinh sống, những di tích lịch sử như đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn Bến phà Long Đại, Chùa Non-Núi Thần Đinh… hay những ngọn núi trùng điệp với nhiều hình thù, sắc thái… tạo nên những bức tranh thủy mặc đẹp đến mê hoặc.

Long Đại có hơn 100 thác nước lớn nhỏ là điệu kiện thuận lời để làm thủy điện bậc thang. Nhưng sau đó vì môi trường lâu dài, các dự án thủy điện không được phép xây dựng. Nên hệ thống núi đá vôi cũng như các loài động thực vật bản địa, những loài thủy sinh đặc hữu được bảo tồn nguyên vẹn. Cảnh sắc nơi đây rất thanh bình và còn khá hoang sơ, một quang cảnh hiếm hoi của các con sông Việt Nam.

Giữa hơn trăm con thác được tạo bởi dòng Long Đại, Tam Lu được biết đến là con thác cao nhất và đẹp hơn cả. Với độ cao 20m chia thành 3 bậc, lúc nào dòng thác cũng tung bọt nước trắng xóa vì dòng nước cuộn chảy trên các lớp đá cuội. Phải chăng do thác nước đổ xuống như nghiêng lu nên người xưa đã đặt tên là Tam Lu? Hai bên thác là vách đá dựng đứng cao ngất, tạc nên nhiều hình thù kì dị thoả sức cho du khách đến đây nhìn ngắm và tưởng tượng. Phía dưới đồi cây là bãi cát thoai thoải với rất nhiều đá cuội đủ kích cỡ và màu sắc. Đây thực sự là một bãi tắm lý tưởng cho du khách sau khi vượt thác Tam Lu.

Thác Tam Lu – Ảnh: Nguyễn Mỹ Linh

 Đi thuyền vượt thác, thử thách lòng can đảm là một trải nghiệm thú vị với du khách khi đến với Quảng Bình. Du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng trước tài ba của người chèo thuyền trên sông Long Đại.

Để có thể vượt qua thác Tam Lu, người lái thuyền phải nắm rất rõ các ngõ ngách trên con sông này. Sự phối hợp giữa người chèo lái và người chèo mũi như những nghệ sĩ xiếc trên sân khấu.

Cái cảm giác được ngồi trên thuyền của một tay lái cừ khôi và thấy mình như đang bay trên những cột sóng trắng xóa giữa núi non hùng vĩ, thác nước ầm ào, thật tuyệt vời!

Nếu có dịp du lịch Quảng Bình, bạn hãy tham gia hành trình du thuyền trên sông Long Đại, vượt thác Tam Lu để trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc, để hòa mình cùng sông núi nơi đây, để lòng thêm tự hào về quê hương đất nước.

Với chặng đường dài trên sông, du khách thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh, nghe kể chuyện lịch sử bi hùng của dòng sông, đi bộ, leo núi ngắm núi non hùng vĩ và chiêm bái chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh. Du khách cũng có thể trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, ẩm thực và các sản phẩm mây tre đan nổi tiếng của đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn.