Về thăm làng Lý Hòa – Vùng đất có địa thế đẹp ở Quảng Bình

Một lần du lịch Quảng Bình, ghé thăm làng Lý Hòa, du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng với địa thế đẹp của mảnh đất này. Ngôi làng tựa như một bán đảo nhỏ, phía Tây Nam, phía Đông là sông và biển, phía Bắc có đèo Lý Hòa nối với đất liền tạo nên một làng biển có cảnh quan hữu tình “Núi giăng một mặt, nước vây ba bề”.

Làng Lý Hòa

Làng Lý Hòa nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, cách sông Gianh 9 km về phía Nam và cách thành phố Đồng Hới 12km về phía Bắc nay thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đây là một làng biển giàu có được xếp vào hàng nhất, nhì của tỉnh Quảng Bình và cũng là một làng khoa bảng, làng thương thuyền, buôn bán và đánh cá nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.

Một góc làng Lý Hòa

Chuyện xưa kể rằng, vùng núi Lệ Đệ trước đây là rừng rậm rạp, có nhiều muông thú, khe suối nước trong vắt. Cảnh ở đây rất đẹp, hàng năm các nàng tiên trên trời thường xuống dạo chơi. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tông Nam chinh xuống phương Nam, đến vịnh Hà Não trời quang, mây tạnh, bỗng có đám mây lành bao phủ thuyền ngự.

Vua nhìn lên đỉnh Lệ Đệ, thấy có nhiều tiên nữ từ trên trời bay ra biển Đông, vui đùa múa hát. Nhà vua cho là có điềm lành, vội lập đàn khấn vái. Sau khi đánh thắng giặc trở về, nhớ lại điềm lành, vua Lý Thánh Tông cho lập chùa  Hang dưới chân núi để nhớ ngày Ma Cô tiên giáng. Chùa Hang nằm trong động núi, có tên là động Cửa Chùa. Tương truyền trong chùa có một bức tượng Phật Quan Âm bằng vàng do vua Lý Thánh Tông cung tiến. Trước năm 1945 Chùa Hang được dân làng Bồ Khê, Thanh Trạch cúng tế. Ngày nay Chùa Hang chỉ còn phế tích, chuyện xưa một chút liêu trai, đọng lại theo thời gian.

Vùng đất Lý Hòa đời nhà Trần (1306) có tên là “Dĩ Lý”, thời Trịnh- Nguyễn phân tranh (1627 – 1672) gọi là “Lý Ninh” và từ năm 1775 có tên Lý Hòa. Năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng, Châu Bồ chính thức được đổi thành huyện Bố Trạch.

Năm 1775, Lê Quý Đôn khi đi vào xứ Đàng Trong, nhìn thấy vùng đất bình sa bằng phẳng dưới chân núi Lệ Đệ rất đẹp, làng xóm thanh bình, thuyền bè tấp nập đi lại trên sông, ông đã ghi lại “Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng dân cư ngang bãi trong về phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô, từ bên hữu ngạn chạy lại làm án cho nên nhân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người. Tục quan buôn bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền nan lớn đến hàng trăm chiếc”.

Chợ Lý Hòa khang trang

Tính từ khi có tên Dĩ Lý năm 1306 đến nay, làng Lý Hòa đã có hơn 700 trăm năm lịch sử. Theo thần phả làng thờ ở đình Lý Hòa và các gia phả dòng họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, Lê, Phan và lịch sử làng Cương Gián thì người Lý Hòa có gốc từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Người Cương Gián vượt biển, qua Hoành Sơn và dãy núi Lệ Đệ, gặp bãi cát bằng, có núi, có sông, có biển, gần giống quê nhà, hợp với nghề biển, đã định cư lại nơi đây. Những cư dân mới đã đặt tên con sông nơi đang ở là Thuận Cô. Buổi đầu, họ định cư ở bờ Nam sông Thuận Cô, sau chuyển sang bờ Bắc do đất đai bằng phẳng, có núi cao che chắn, có thể phát triển lâu dài. Đến năm 1775  dân đinh làng Lý Hòa đã “lên tới nghìn người”.

Công viên Lý Hòa

Lý Hòa là làng văn hiến, nhiều người đỗ đạt, làm quan. Thời nhà Nguyễn, huyện Bố Trạch có 8 vị đỗ đại khoa, tiến sỹ thì làng Lý Hòa có 5 người; 25 vị đỗ cử nhân, làng Lý Hòa có 6 người. Tỉnh Quảng Bình có hai làng Lý Hòa và An Xá được công nhận là làng văn hiến; dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa được công nhận là dòng họ khoa bảng.

Làng Lý Hòa không xếp trong “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình nhưng trong lịch sử các làng khoa bảng đất Quảng Bình, làng Lý Hòa cùng làng Quy Đức, Đức Trạch, làng Cao Lao Hạ, Hạ Trạch được xếp vào hàng “Tam danh hương Lý, Quý, Cao ”.

Lý Hòa là vùng đất có thế “thượng Sơn, hạ Thủy”. Nhìn từ xa, trên cao, làng Lý Hòa tựa con rồng lớn, đang quẩy mình trên “hồ nước lớn” (sông và biển). Đầu Rồng là đèo Lý Hòa, miệng Rồng là bãi Đá Nhảy và Đá Giếng, thân rồng “khoảnh đất bình sa” kéo dài từ dưới chân núi Lệ Đệ đến cửa sông Lý Hòa, rốn Rồng là cửa sông Lý Hòa và đuôi rồng xòe ra ở bãi đá cuối cửa sông.

Đèo Lý Hòa

Phía Bắc Lý Hòa là đèo Lý Hòa, nơi có ngọn đèo thấp, trước đây có tên gọi là núi Lê Đệ. Đèo Lý Hòa cũng thật thi vị, xuất phát từ dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển cắt ngang địa hình làng Lý Hòa, đèo không cao lắm, nhưng liên tục trăm ngọn, trông vô cùng ấn tượng. Đứng trên đỉnh đèo ấy, ngắm toàn cảnh ngôi làng từ trên cao, du khách thấy cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc.

Dưới chân đèo Lý Hòa, nơi núi liền với biển, những khối đá to, nhỏ mọc lởm chởm với nhiều hình thù lạ mắt. Mỗi lần sóng biển vỗ bờ, tung bọt trắng xóa, các khối đá to nhỏ như được sóng nâng lên, hạ xuống, có cảm giác như đá nhảy chồm lên cùng sóng biển, có lẽ vì vậy, nơi này có tên Đá Nhảy. Bãi biển Đá Nhảy hiện nay hàng năm thu hút hàng trăm du khách về đây du lịch tắm biển.

Bãi Đá Nhảy

Cửa biển Lý Hòa xưa gọi là cửa Đại Lý, nơi đây năm 1369 đời vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), thủy binh Đại Việt đã đánh thắng quân Chiêm Thành từ phía Nam ra cướp phá châu Lâm Bình.

Đi dọc theo bờ biển, là một bãi cát vàng trãi dài hơn 10 km từ cửa sông Gianh vào đến cửa sông Lý Hòa. Đây là bãi cát mịn, độ dốc thoai thoải, vào mùa hè sống biển phẳng lặng tựa đầm ao.

Bình minh trên biển Lý Hòa

Làng Lý Hòa có bốn giếng nước cổ, khá lớn, được xây bằng đá phiến xanh lấy từ Thanh Hóa và gạch Bát Tràng, là giếng Dậu , giếng Chùa, giếng Đình và giếng Eo. Dân làng kể rằng giếng Dậu nằm ở thôn Thượng Hòa, giếng đào vào long mạch thần đất, nên hàng năm vào mùa Hè, hai thôn Nội Hòa và Thượng Hòa thường bị hỏa hoạn, nhiều nhà bị cháy. Có năm, cả trăm ngôi nhà ở hai thôn này cùng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Dân làng thấy bất an, quyết định lấp giếng Dậu lại. Từ khi giếng Dậu được lấp, nhà cửa trong hai thôn không còn bị cháy nữa. Ngày nay dòng nước trong lành từ khe Tòng Môn đã được đưa về phục vụ người dân làng biển Lý Hòa.

Trung tâm làng là Đình làng Lý Hòa được xây dựng năm 1737, mặt hướng về hướng Nam, mang đậm nét kiến trúc đình Việt thời Nguyễn Đình. Đình thờ các vị tổ khai cơ làng, khai cơ nghề nghiệp cho con cháu, thờ tự các danh khoa danh giá của làng và là nơi gắn liền với những hoạt động yêu nước thời kỳ kháng chiến. Đình Lý Hòa được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Việc tế lễ ở đình làng có hai kỳ Xuân – Thu, mỗi năm có đại trường câu, việc của làng, ngày tết. Định kỳ 6 năm, dân làng Lý Hòa tổ chức tế lễ thành hoàng hết sức long trọng.

Đình làng Lý Hòa cổ kính

Làng Lý Hòa có chùa ngôi chùa Vĩnh Phước với kiến trúc vô cùng độc đáo. Tháng 11 năm 2011,  vợ chồng ông Phan Hải và bà Phạm Thị Dung đang cư trú làm ăn tại thành phố Hồ Chí Minh là 2 người con tâm huyết của làng Lý Hòa đã xây dựng chùa mới trong khuôn viên của chùa cũ đã có từ năm Mậu Ngọ (1738) thời vua Lê Y Tông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ tư. Chùa mới có kiến trúc hiện đại, uy nghi, cao ráo, thoáng đãng. Sau lưng chùa có khu Đại viên rộng 2.000m vuông, trồng nhiều loại cây ăn quả và hoa phượng phật, hoa hồng nhạt.

Chùa Vĩnh Phước

Người dân Lý Hòa từ buổi đầu định cư trên vùng đất mới đến nay, cuộc sống luôn cuộn trào cùng sóng gió, đánh bắt các loại cá biển và buôn bán các sản phẩm chế biến từ biển.  Người Lý Hòa sinh ra và lớn lên nhờ vào biển, nên tính cách người Lý Hòa rất trực tỉnh, trực ngôn, thấy đúng ủng hộ, thấy sai thì góp ý, phê bình một cách chân tình, thẳng thắn, không câu nệ, không để bụng, oán ghé trong cuộc sống hàng ngày, người Lý Hòa rất độ lượng, đoàn kết giàu tính thương người.

Đài tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lý Hòa một vùng đất sông gắn liền với biển, làng gắn liền với núi, nơi tụ khí, tụ nghĩa để từ đó hình thành nên một làng quê văn vật. Làng Lý Hòa ngày nay là làng văn hóa, trù phú và phát triển. Du khách đến đây ngỡ ngàng, khó phân biệt giữa phố thị và làng biển, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, đời sống nhân dân sung túc. Làng Lý Hòa nhìn từ xa, như phố biển ở một nơi nào đó rất xa, rất đẹp trên thế giới nhưng rất thân thuộc trên đất Quảng Bình.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lý Hòa

Về thăm làng Lý Hòa dịp tết Nguyên Đán, du khách còn có dịp hòa mình vào không khí sôi nổi của Lễ hội đua thuyền trên sông Lý Hòa tổ chức vào ngày mồng 3 Tết. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, tàu thuyền thuận buồn xuôi gió, ngư dân mang về những chuyến biển bội thu. Đặc biệt là thể hiện sức mạnh đoàn kết, tinh thần phấn khởi của ngư dân trước vụ mùa vươn khơi đánh bắt hải sản của năm mới.