Đầm Cầu Hai – Mênh mông biển trời sông nước
Đầm Cầu Hai nằm ở đường quốc lộ 1, bắt đầu từ Cầu Hai đến chân đèo Phú Gia, là điểm tham quan đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu cho các bạn khi đến với cố đô Huế xinh đẹp.
Xét về vị trí địa lý thì Đầm Cầu Hai thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi danh của vùng đất cố đô.
Có ai đó đã từng nói rằng:
“Đầm Cầu Hai như là món quà quý báu của tạo hóa ban tặng cho người dân xứ Huế”.
Khó có từ ngữ nào hình dung hết vẻ đẹp nên thơ, dịu ngọt của Đầm Cầu Hai. Thiên nhiên ở đây quá đỗi quyến rũ và thơ mộng, vượt xa mọi chuẩn tắc của cái đẹp, vượt xa ngôn ngữ để hình dung.
Đời sống con người ở đây, cảnh vật nơi này cũng quá đỗi thân thương, tuyệt diệu. Đã có biết bao nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã đến đây để chụp các khoảnh khắc lộng lẫy nhất của Đầm Cầu Hai.
Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo của nơi này khiến cho bất kỳ du khách nào đến đây cũng phải ‘trợn tròn mắt kinh ngạc’.
Diện tích của Đầm Cầu Hai lên đến 11.200ha, cửa Tư Hiền thông Đầm Cầu Hai với biển. Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn nằm trong tỉnh Thừa Thiên Huế vậy nên nước của đầm khá ngọt rồi nó lại chuyển sang nước lợ vào mùa khô.
Có lẽ vì diện tích quá lớn nên nhìn Đầm Cầu Hai chẳng khác nào đại dương mênh mông không có điểm dừng cả. Nó được tô điểm bởi các hòn đảo nhỏ, như một nét chấm phá bất tận trên bức tranh sông nước của Đầm Cầu Hai.
Hãy thử nhắm mắt và tưởng tượng, phác họa lên cả một khung tranh rộng lớn. Phía trên là bầu trời cao, trong xanh, khoáng đạt, mây trắng trôi lững lờ. Ở dưới mặt đất, sông nước miên mang, mấy hòn hòn đảo nhỏ để sóng vỗ thành lời, nơi cửa Tư Hiền mở lối cho dòng nước trôi ào ạt ra biển cả.
Cung đường Quốc lộ số 1 để cho du khách dạo bước chân, ngắm nhìn bốn bề mặt nước. Nơi xa xa nhìn lại, dãy núi Bạch Mã như ẩn như hiện trong đám mây mờ. Rồi cũng nơi ấy, thấp thoáng ngọn Linh Thái, Túy Vấn với bóng dáng của chiếc tháp Điều Ngự, của chùa Thánh Duyên.
Nơi đỉnh núi Túy Vân, nhìn xuống Đầm Cầu Hai, nó như tấm gương gợn sóng khổng lồ, in trời in đất. Lại nhìn về hướng Đông, đường chân trời kéo dài dường như không có điểm cuối.
Nhìn về hướng Tây, dãy Bạch Mã như chú ngựa hoang xòe bờm trắng xóa, tung vó phi nước, đạp lên đại ngàn, vượt dãy Trường Sơn, đẹp đến mơ màng.
Gần Đầm Cầu Hai có Đầm Thủy Tú, bình lặng như dòng nước của mùa hè, con đầm này nối từ Đầm Cầu Hai nên thủy vực nằm ở phía Bắc, lượn qua phá Tam Giang.
Và cũng từ đây, theo dòng nước ngọt đầy chất thơ của dòng sông Hương thơ mộng chảy ngược lên phía cố đô Huế.
Ngồi trên thuyền, ngao du trên mặt nước, du khách lại có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của núi non, thuyền bè qua lại náo nhiệt hoặc làm quen với cách thức đánh bắng thủy hải sản của người dân vùng sông nước, thưởng thức hương vị đậm đà thơm ngon của những loài cá, tôm nước lợ đặc biệt vô cùng.
Trên bức tranh khung cảnh thiên nhiên ấy, còn có các bãi ngầm, đồng cỏ hoang – nơi tập trung vô số đàn cò, vạc, sâm cầm, ngỗng trời, vịt trời,… bơi ngợp mặt nước.
Dường như có dải lụa lắm lông nhiều màu, phủ lên mặt nước xanh biết. Bỗng chống mặt đầm động, ‘dải lụa’ ấy tung bay lên trời xanh, lại để lại khung cảnh bình yên của Đầm Cầu Hai.
Bờ cát đẹp, mặt nước mênh mông cùng nhiều hoạt động thú vị như câu cá, bơi thuyền, lướt ván,… cũng là những hoạt động thú vị du khách khó có thể bỏ qua khi đến với Đầm Cầu Hai.
Khi đến với Đầm Cầu Hai, du khách cũng đừng quên mang theo một chiếc máy ảnh hoặc một chiếc điện thoại xin để trổ tài nhiếp ảnh của mình.
Buổi sớm tinh mơ, bình minh vừa dâng lên hay chiều nắng vàng, hoàng hôn buông xuống, hoặc cũng có thể ngày trời sắp mưa, vân vũ xoay vần,… điều đáng để du khách lưu giữ trong các bức ảnh của mình.
Và bạn cũng đừng lo khi mình đến với Đầm Cầu Hai không đúng thời điểm, bởi vì trong khoảnh khắc chờ đợi để chụp các bức ảnh đẹp nhất, bạn còn có thể mua thức ăn của người dân trên đầm để thưởng thức, âu cũng là một cái thú đáng nhớ.