Cổng Trời Hoành Sơn Quan
Hoành Sơn Quan hay còn gọi Cổng Trời là một hùng quan trên đỉnh Hoành Sơn thuộc Đèo Ngang, cổng Hoành Sơn Quan được xây dựng vào những năm 1833 thời Vua Minh Mạng để kiểm soát dân chúng đi qua lại nơi đây. Theo ghi ghép lịch sử xưa thì đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Trên đỉnh đèo Ngang là Hoành Sơn Quan thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc thành lũy. Hoành Sơn Quan như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử, và trở thành một địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng của nước Việt. Trên đỉnh Hoành Sơn mây hay ngưng tích lại nên mới có câu Đèo Ngang hun hút mưa mây nắng ngàn.
Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang trực thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ngoài Hoành Sơn Quan ở Quảng Bình còn có Cổng Quảng Bình Quan và Võ Thắng Quan, nơi đây cổng tọa lạc thời xưa trên núi chỉ dấu ngăn cách Đàng Trong với Đàng Ngoài.
Đứng trên Hoành Sơn Quan nhìn ra biển về phía đông với Đảo Yến, Hòn La ở phía Quảng Bình với những ghềnh đá nhấp nhô dưới sóng biển, gần đó là bãi biển Vũng Chùa cát trắng mịn màng nhẹ nhàng gợn sóng trong vịnh yên bởi được Đảo Yến che chắn. Đây là một điểm không thể thiếu trong tour Quảng Bình về phía Bắc.
Cửa ải Hoành Sơn Quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường thiên lý bắc nam, Cửa Hoành Sơn Quan có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ triều Minh Mạng thứ 14 hiện nay vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Hai nền móng xuôi về hai mái bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển.
Hoành Sơn Quan trước đây mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để dân chúng leo lên và leo xuống theo triền núi để qua đèo, sau thời gian dài trơ gan cùng tuế nguyệt cửa Hoành Sơn hiện nay ở phía nam chỉ còn lại dấu tích không còn bậc đá, phía bắc vẫn còn vài trăm bậc đá để du khách lên thăm quan chụp hình mỗi khi du lịch Quảng Bình.
Đến đây vào mùa lúa chín hai bên đường xuống đèo bạn có thể thấy ruộng lúa, nương khoai, hoa màu, phi lao phủ kín những mái nhà lúp xúp dưới làn khói bếp mờ ảo trong sương thật đẹp.
Giữa làn gió thu nhè nhẹ thổi, đứng trên đỉnh Đèo Ngang ngắm nhìn Hoàng Sơn Quan thoáng suy nghĩ về một thời chinh chiến nơi quân Trịnh sắp xếp các đồn lũy trong cuộc chiến Trịnh ~ Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, với những truyền thuyết đặc sắc trong dân gian để lại những địa danh lịch sử oai hùng.
Ở trên cổng Hoành Sơn Quan nơi những bậc đá rêu phong dường như vẫn còn đâu đó dấu chân của các bậc tiền nhân đã từng nam bắc trên đường thiên lý, và cả những bậc mặc khách tao nhân ghé qua, lưu lại hậu thế những câu sấm truyền, những vần thơ trữ tình lãng mạn nặng bước người qua.
Từ Hoành Sơn Quan phóng tầm mắt nhìn về phía Tây, ngọn núi Đèo Ngang như một bức bình phong xanh ngắt, mây ngàn bồng bềnh trên không trung. Nếu có dịp đến đây sau khi thăm quan Hoành Sơn Quan bạn hãy xuôi về chân Đèo Ngang khoảng 4km là sẽ đến Đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh đặc biệt linh thiêng được đông đảo du khách viếng thăm.
Chưa hết, Sau khi ngắm cảnh Đèo Ngang hãy đi về hướng Đông Nam khoảng 3km là cụm danh thắng Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, nơi đây là chốn linh thiêng, mỗi năm đón cả triệu người đến tri ân dâng hương, viếng thăm mỗi dịp lễ.
Thật vậy, Mỗi du khách tới đây sau khi dừng xe tản bộ lên đỉnh Hoành Sơn giữa trưa hè gió trời lộng lộng, ngắm rừng xanh núi thẳm nghe tiếng thông reo vi vu giữa ngàn mây cho tâm hồn thư thái tuyệt vời.