Quảng Bình Quan – Biểu tượng của mảnh đất Quảng Bình
Du lịch Quảng Bình không chỉ nổi tiếng có những hang động kỳ vĩ nổi tiếng mà còn có những di tích lịch sử giá trị. Trong đó phải kể đến Quảng Bình Bình Quan, được xây dựng năm 1639 từ thời Chúa Nguyễn là một trong những thành lũy kiên cố, và trọng yếu hàng đầu của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trải qua thời gian, sau nhiều lần bị hư hại nặng nề, Quảng Bình Quan đã được phục chế về gần như nguyên dạng để tồn tại như một minh chứng lịch sử giữa thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Quảng Bình Quan (mới phục chế lại), ở ngay trung tâm phường Đồng Hải giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam là đường đi Huế. Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi. Người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói Cổng Bình Quan.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: ’’cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá…’’
Quảng Bình Quan thời Nguyễn, được đắp bằng đất vào năm 1631, là hệ thống thành lũy cổ được xây đắp để bảo vệ kinh thành Nguyễn. Quảng Bình quan nằm trong hệ thống Lũy Thầy, bao gồm Lũy Trường Dục, Lũy Trấn Ninh, Lũy Nhật Lệ, Lũy Trường Sa kéo dài hơn 30 km.
Hệ thống Lũy Thầy do Quân sư chúa Nguyễn là Đào Duy Từ (1572-1634) thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng từ năm 1631-1634, nhằm giúp Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống lại các đợt tấn công của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nơi đây có địa thế tựa núi gần khe rất chắc chắn, ngăn cách với đất Bắc, vô cùng hiểm trở chẳng khác gì đang đi vào đất Thục cả.
Dưới thời chúa Nguyễn, người châu Nam Bố Chính hay ở phương Bắc có việc gì, muốn vào dinh Quảng Bình nếu đi đường bộ thì trước hết phải vào Quảng Bình Quan trình giấy tờ rồi mới ngược ra hướng bắc mà vào cửa Nam Môn để nhập thành. Người đi đường thủy thì phải ghé thuyền ở cửa Nhật Lệ, trình giấy tờ ở cửa quan Thủ Ngự rồi cho thuyền lên bến cửa đông mà nhập thành.
Quảng Bình quan nằm trấn giữ con đường huyết mạch Bắc-Nam và đường thuỷ từ cửa biển Nhật Lệ vào. Vì thế, mà hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh vào Nam đều bị chặn đứng đây. Là chứng tích đau thương của một thời phân tranh đất nước, nhưng Quảng Bình Quan cũng như hệ thống Luỹ Thầy đã thể hiện sự phát triển cao của nghệ thuật kiến trúc thành luỹ quân sự Việt Nam.
Nơi này là trung tâm của hệ thống Lũy Thầy, Quảng Bình Quan được xây dựng theo một mô hình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố, vừa là chiến luỹ phòng ngự chiến đấu kiên cố vững chắc, vừa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Quảng Bình Quan chính là địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu kiến trúc và quân sự sau này.
Vào năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trùng tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố, sau khi khánh thành nhà vua đã xếp Quảng Bình Quan là một trong những công trình văn hoá lịch sử đặc sắc của đất nước, cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình Quan vào Nghi Đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành.
Trước Cách mạng tháng 8-1945, Quảng Bình Quan (phía đường Đức Ninh) còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào và phía ngã ba giữa hai con đường Đức Ninh và Cầu Rào (ngày xưa thời chúa Nguyễn là đường thiên lý và đường thượng đạo) còn có một âm hồn trên một nghĩa địa lớn.
Quảng Bình Quan bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954, sau đó được xây lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay của Mỹ đánh tan. Hiện nay, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại như nguyên bản cách đây hơn ba thế kỷ. Quảng Bình Quan, một di tích kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, biểu tượng đặc trưng về văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Đến Quảng Bình Quan, bạn có thể kết hợp khám phá các điểm du lịch Quảng Bình nổi tiếng khác tại TP. Đồng Hới như: Tượng đài Mẹ Suốt, Chợ Đồng Hới, di tích Nhà thờ Tam Tòa, Cồn cát Quang Phú, …để cảm nhận những nét đẹp từ thiên nhiên, kiến trúc nghệ thuật đến con người tại vùng đất xinh đẹp này nhé!
Nguồn: Sưu tầm