Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu: Nét đẹp văn hóa tâm linh Quảng Bình

Hàng năm, cứ vào tháng 3 âm lịch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại rộn ràng trong không khí linh thiêng của Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu. Lễ hội này là dịp để người dân địa phương và du khách thập phương tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một vị thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Phát triển lễ hội lên một tầm cao mới

Nằm nép mình bên con đường thiên lý Bắc-Nam, ngay dưới chân đèo Ngang hùng vĩ, thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), ngôi đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ lâu đã là điểm tựa tâm linh cho người dân địa phương.

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Quảng Bình

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Quảng Bình

Nhận thấy tiềm năng to lớn của di tích này, huyện Quảng Trạch đã có quyết định nâng tầm lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện, đồng thời đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” từ năm 2024.

Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu mang trong mình sự kết hợp hài hòa giữa hai không gian văn hóa đặc sắc. Nơi đây, bên dãy Hoành Sơn nên thơ, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – biểu tượng của tín ngưỡng tâm linh – giao thoa với Hoành Sơn Quan, di tích lịch sử kiến trúc thành lũy uy nghi. Câu chuyện huyền tích ly kỳ về tục thờ Thánh Mẫu nơi cửa ngõ xứ Đàng Trong càng tô điểm thêm nét độc đáo cho lễ hội.

Tất cả tạo nên một sản phẩm du lịch Quảng Bình hấp dẫn, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách trong và ngoài nước. Lễ hội này không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của vị thánh mẫu mà còn là dịp để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa:

Câu chuyện về Thánh Mẫu dưới chân Đèo Ngang được lưu truyền qua bao thế hệ, ghi dấu trong sử sách và lời kể của các bậc cao niên.

Truyện kể rằng, ngày xưa trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có một nàng công chúa tên là Liễu Hạnh, dung nhan tuyệt sắc nhưng tính tình lại ngang bướng, phóng khoáng, không chịu gò bó trong khuôn phép chốn thiên cung. Dù Ngọc Hoàng hết lòng dạy bảo, Liễu Hạnh vẫn giữ nguyên khí chất tự do, phóng khoáng. Trước sự cứng đầu của con gái, Ngọc Hoàng đành giáng tội đày nàng xuống trần gian 3 năm để tu tâm dưỡng tính, mong nàng nhận ra lỗi lầm.

Hạ phàm, Liễu Hạnh hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, dựng một túp lều tranh bên đường thiên lý dưới chân đèo Ngang. Nơi đây núi non trùng điệp, cây cối um tùm, rắn rết, thú dữ hoành hành, nhưng cũng là con đường huyết mạch nối liền Bắc Nam, người qua kẻ lại tấp nập.

Ban ngày, Liễu Hạnh là một cô gái thùy mị, nết na, mưu sinh bằng việc bán nước ven đường. Nhưng khi màn đêm buông xuống, nàng hóa thành vị thần linh hiển linh, trừng trị bọn quan tham, kẻ ác bá, lũ cướp rừng hoành hành, đồng thời bảo vệ dân lành khỏi thú dữ.

Trong 3 năm lưu lạc trần gian, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã biến vùng đất hoang vu dưới chân đèo Ngang thành nơi sơn thủy hữu tình, an lành cho người dân sinh sống, lập nghiệp. Làng mạc dần hình thành, trù phú và yên bình.

Hết hạn 3 năm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh “không bệnh mà hóa”, trở về trời. Tuy nhiên, thần linh của nàng vẫn luôn hiển hiện, phù hộ cho dân lành khai khẩn đất hoang, trừng trị kẻ ác, ban mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Thánh Mẫu, người dân đã lập đền thờ ngay tại nơi nàng từng dựng quán nước. Ngôi đền trở thành nơi con cháu đời đời hương khói, tri ân công đức. Hàng năm, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, ngày Thánh Mẫu “không bệnh mà hóa”, người dân lại nô nức tổ chức lễ hội, dâng hương tưởng niệm, cầu mong sự che chở của Thánh Mẫu.

Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đèo Ngang mang ý nghĩa:

  • Tưởng nhớ công ơn: Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người dân đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp đỡ dân lành, cứu nhân độ thế.
  • Gìn giữ bản sắc văn hóa: Lễ hội là dịp để cộng đồng gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các hoạt động tế lễ, rước kiệu, hát chầu văn,…
  • Cầu mong bình an: Người dân đến dâng hương, cầu mong Thánh Mẫu ban phước lành, che chở cho gia đình và quê hương.

Các hoạt động chính trong lễ hội:

Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là một hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt, nơi người dân Quảng Đông tìm về cội nguồn dân tộc, mà còn là dịp để con cháu đời đời khắc ghi công ơn dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân.

Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu được tổ chức long trọng

Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu được tổ chức long trọng

Lễ hội được tổ chức long trọng tại hai địa điểm chính là đình làng Vịnh Sơn và đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh với nhiều hoạt động:

Phần lễ bao gồm các nghi thức truyền thống như:

  • Lễ mở cửa Đền
  • Lễ Cúng sang canh
  • Lễ chuyển Sắc phong Thần vị và Xiêm Y Thánh Mẫu
  • Lễ nhập thất của các vị thần
  • Lễ Cáo yết
  • Tổ chức khai hội (lễ khai mạc)
  • Lễ Cúng vía (Giỗ Mẫu Liễu Hạnh) – đây là nghi thức chính của lễ hội
  • Lễ tế (cúng cơm)
  • Lễ rước Sắc phong Thần vị về Đình Vịnh Sơn

Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động:

  • Giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ Dân ca Cảnh Dương, Hát Kiều Quảng Kim, Quảng Phương, Hát hầu văn.
  • Trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
  • Gói bánh chưng từ thiện, thể hiện tinh thần tương thân tương ái.
  • Trưng bày câu đối, viết thư pháp, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống….

Giá trị của lễ hội:

Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đèo Ngang là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Quảng Bình. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Bình thu hút đông đảo du khách.

Lưu ý khi tham gia Lễ Hội Hoành Sơn Thánh Mẫu:

  • Thời gian: Lễ hội thường diễn ra vào 1-3/3 âm lịch. Hãy kiểm tra thông tin chính xác về thời gian trước khi lên kế hoạch.
  • Địa điểm: Lễ hội được tổ chức tại Di tích Đình Vịnh Sơn và Di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
  • Phương tiện di chuyển: Bạn có thể di chuyển bằng xe khách, tàu hỏa hoặc máy bay đến thành phố Đồng Hới. Sau đó đi xe máy, taxi hay thuê ô tô du lịch đến địa điểm diễn ra lễ hội.
  • Chỗ ở: Đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ trước, đặc biệt nếu đi vào đúng dịp lễ hội vì lượng khách đổ về sẽ rất đông.
  • Trang phục: Nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo khi tham gia lễ hội. Tránh mặc quần áo quá ngắn hoặc hở hang. Giày dép đi lại thoải mái, mũ nón…
  • Giữ gìn vệ sinh chung: Không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh.
  • Tôn trọng không gian tâm linh: Giữ trật tự, yên tĩnh khi tham gia các nghi lễ, không chen lấn, xô đẩy.
  • Cẩn thận tư trang, tiền bạc.
  • Mua sắm các sản phẩm: Góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương.
  • Kết hợp tham quan các địa điểm lân cận như Vũng Chùa Đảo Yến, các hang động ở Phong Nha Kẻ Bàng, Bãi Đá Nhảy

Chúc bạn có một chuyến du lịch tham gia Lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu Quảng Bình vui vẻ và ý nghĩa!