Cụm di tích lịch sử Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
Đến với Cầu Hiền Lương, du khách sẽ được đắm mình trong không gian lịch sử đầy xúc động. Dạo bước trên cây cầu, ngắm nhìn dòng sông Bến Hải hiền hòa, bạn sẽ cảm nhận rõ sự chia cắt đất nước ngày nào. Hai bên bờ sông là hai thế giới khác biệt, hai hệ thống chính trị đối lập, nhưng đều chung một khát vọng thống nhất.
Vị trí
Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải nằm trong cụm di tích đôi bờ Hiền Lương ở điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã.
Lịch sử hình thành
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa Biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20 -30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua (chữ “Húy” đồng ngĩa với “Kỵ” tức là kiêng kỵ). Do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải.
Cầu Hiền Lương được xây dựng năm 1928 do Phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Hồi ấy, cầu được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931, cầu được người Pháp cho sửa chữa lại rộng hơn, nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua lại được. Năm 1950, Pháp cho xây cầu Hiền Lương bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Hai năm sau, cầu bị quân ta đánh sập để ngăn chặn sự đánh phá của địch ra miền Bắc.
Tháng 5-1952, Pháp làm lại chiếc cầu mới nối liền hai bờ sông Bến Hải giữa huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Cầu có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, tải trọng 18 tấn.
Năm 1954, sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Theo Hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải chạy ngang qua Do Linh và Vĩnh Linh) làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.
Năm 1956, Ngô Đình Diệm-Tổng thống của Việt Nam cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ đã không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Giơnevơ quy định. Từ đây, cây cầu Hiền Lương đã trở thành chứng tích lịch sử trong hơn 20 năm chia cắt hai miền Nam-Bắc. Cây cầu cũng chứng kiến nhiều sự kiện đấu tranh ngoan cường, anh dũng và trở thành một biểu tượng to lớn cho khát vọng thống nhất non sông, sum họp, đoàn tụ của biết bao gia đình và toàn dân Việt Nam.
Trong các cuộc chiến diễn ra tại Hiền Lương có lẽ “Chọi Cờ” là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra trong suốt 14 năm ròng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy.
Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ- Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35 mét.
Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962 chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.
Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế. Tính từ năm 1956 đến năm 1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo hết 267 lá cờ các cỡ.
Âm mưu chia cắt đất nước ta của mỹ ngụy còn thể hiện qua việc sơn cầu. Cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng lại 5- 1952, dài 178 mét, 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, rộng 4 mét. Đường ranh phân chia Nam – Bắc là một vạch sơn trắng rộng 1cm làm ranh giới hai miền. Hàng ngày công an và cảnh sát hai miền gác, đổi phiên qua về theo chế độ liên hợp.
Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì lập tức ta sơn lại thành một màu chung.
Sau Hiệp đinh Genève, nhằm giáo dục, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, ta đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ bắc. Mỗi cụm 24 loa loại 25 W hướng về bờ nam.
Tức tối trước sự việc này, mấy tuần sau, Mỹ- Diệm liền gắn ở bờ Nam những cụm loa do Tây Đức, Úc sản xuất có công suất lớn, phát inh ỏi, lấn át cả loa phát của ta. Để “đấu khẩu”, Mỹ- Diệm đã tung ra Bến Hải những tên tâm lý chiến nguy hiểm. Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, một hai giờ sáng đã mở hết công suất loa.
Cuộc kháng chiến 21 năm bên bờ Hiền Lương là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta. Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn; Nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. Để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Đến năm 2001, cầu Hiền Lương được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ, dài 182,97m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván.
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải ngày nay
Ngày 17/9/2003, khu di tích lịch sử cầu Hiền Lương được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo. Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.
Di tích đôi bờ Hiền Lương bao gồm: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17…
Cột cờ hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây. Cột cờ cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau. Trên đỉnh cột cờ gắn lá cờ sao vàng năm cánh. Trên thân cột cờ có gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang. Cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ. Đế cột cờ hình tròn, có trang trí hình ảnh mô tả về lịch sử cách mạng.
Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” (xã Vĩnh Thành) gồm 2 gian. Gian khánh tiết là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian trưng bày 53 tài liệu, hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các tài liệu, hiện vật được phân theo 4 chủ đề: Hiệp định Giơnéve và giới tuyến quân sự tạm thời; Tinh thần không khuất phục của người dân Vĩnh Linh và cuộc chiến đấu bảo vệ địa đầu giới tuyến; Nhân dân vùng Nam vĩ tuyến 17 với cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước; Vĩ tuyến 17 sau giải phóng Quảng Trị năm 1972.
Đặc biệt tại đây còn lưu giữ phiên bản phục chế loa phóng thanh công suất 500Wdo Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng ở bờ bắc trước đây. Chiêm ngưỡng chiếc loa này, du khách sẽ phần nào hình dung được cuộc “đấu loa” ở đôi bờ sông Bến Hải từ năm 1954 – 1965.
Ở bờ Nam sông Bến Hải có một tượng đài với tên gọi: Khát vọng thống nhất non sông. Tượng đài có hình dáng của một thiếu phụ đang đứng ở bờ Nam sông Bến Hải nhìn về phía Bắc để tưởng nhớ những ngày tháng đau thương khi họ không thể vượt sông để gặp chồng và người thân.
Ý Nghĩa Của Cầu Hiền Lương:
Cầu Hiền Lương không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sự chia cắt và khát vọng thống nhất. Nơi đây đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly, mất mát, nhưng cũng là nơi thắp lên ngọn lửa hy vọng về một đất nước thống nhất, hòa bình.
Tham quan Cầu Hiền Lương, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm:
- Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
- Cảm nhận sâu sắc về nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất.
- Thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, độc lập.
- Nuôi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Giá vé cầu Hiền Lương – Bến Hải: 50.000 đồng/lượt đối với người lớn và 20.000 đồng/lượt đối với trẻ em.
Lưu Ý Khi Tham Quan:
- Cầu Hiền Lương nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A, giao thông thuận tiện.
- Du khách nên dành ít nhất nửa ngày để tham quan đầy đủ các di tích lịch sử trong khu vực.
- Nên mang theo mũ, nón, kem chống nắng và nước uống.
- Hãy giữ gìn vệ sinh chung và tôn trọng các di tích lịch sử.
Di tích đôi bờ Hiền Lương trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Quảng Trị của khách trong và ngoài nước. Du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.