Những hòn đảo tuyệt đẹp trên con đường di sản Miền Trung
Từ lâu con đường di sản miền Trung đi qua 5 địa phương, gồm: vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng một kỳ quan thiên nhiên hấp dẫn ở Quảng Bình; hệ thống di tích cách mạng đồ sộ với không gian linh thiêng tại Quảng Trị; di sản văn hóa thế giới gồm quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế…; phố cổ Hội An thanh bình – nơi bảo tồn khá hoàn hảo về một thương cảng sầm uất vào thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Thánh Địa Mỹ Sơn – di tích của nền văn hoá Chămpa xưa với phong cách kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và trải nghiệm miền nghỉ dưỡng, giải trí hấp dẫn tại Đà Nẵng… đã gây ấn tượng đối với du khách gần xa. Nhưng ít ai biết rằng, dãi đất Miền Trung nắng gió này còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng những hòn đảo hoang sơ có cảnh sắc đẹp đến nao lòng với bờ cát trắng mịn, nước biển xanh trong, hệ sinh vật phong phú. Xin giới thiệu đến du khách những hòn đảo nhất định phải ghé thăm nếu có dịp đi du lịch Miền Trung.
Cù Lao Chàm – Hội An
Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 18 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông bao quanh là hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, núi, rừng, biển cả kết hợp hài hòa, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào.
Với khí hậu mát mẻ, các bạn có thể đến Cù Lao Chàm vào bất cứ thời gian nào phù hợp với thời gian chuyến đi của bạn. Nên xem dự báo thời tiết trước, tránh đi vào những ngày mưa bão. Và đặc biệt, nên đi vào mùa hè để tận hưởng cảm giác được nhảy xuống làn nước mát lạnh của biển Cù Lao Chàm. Đặc biệt, vào dịp Tết Trung thu, bạn có thể kết hợp khám phá Cù Lao Chàm cùng phố cổ Hội An lung linh ánh sáng mùa lễ hội. Ngoài ra, nếu đi vào tháng 4 âm lịch, bạn sẽ được tham gia giỗ tổ nghề yến hay hội cầu ngư, những hoạt động văn hóa, tâm linh được người dân xứ Quảng giữ gìn qua nhiều thế kỷ.
Để tới Cù Lao Chàm, bạn có thể đến cảng Cửa Đại (Hội An) mua vé ca nô ra đảo chỉ mất 15 -20 phút, giá vé khứ hồi đi về trong ngày khoảng 450.000 đồng/người. Vào mùa cao điểm, cuối tuần nên đặt vé trước, tránh trường hợp đến nơi thì hết vé. Hoặc theo chuyến tàu chợ thuyền gỗ ra đảo vào lúc 9h hàng ngày xuất phát từ bến Bạch Đằng trong phố cổ Hội An, hành trình khoảng 2h giá vé khoảng 100.000 đồng, lưu ý các bạn nên mang theo thuốc chống say sóng.
Nếu các bạn ngại việc tự đi ra Cù Lao Chàm, có thể mua tour Cù Lao Chàm đi trong ngày của các đơn vị lữ hành. Giá tour trọn gói đâu đó vào khoảng 600-700k/1 người. Một ngày ở Cù Lao Chàm sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị như lênh đênh trên sông nước, khám phá những di tích cổ xưa, in đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa cũng như hiểu thêm về nếp sống, cách sinh hoạt của người dân miền biển. Thường thì tour sẽ đón các bạn tại khách sạn, đưa ra bến tàu rồi lên cano đi thẳng ra đảo. Đến cảng Bãi Làng hướng dẫn viên sẽ đồng hành đưa các bạn tham quan những địa điểm hấp dẫn như: bảo tàng, Giếng Cổ Chăm Pa, Chùa Hải Tạng, Âu Thuyền, mua sắm tại chợ Tân Hiệp , rồi lên cano ra Bãi Ông tắm biển và lặn ngắm san hô.Trước khi lặn biển, để đảm bảo an toàn, bạn sẽ được trang bị áo phao, mắt kính, ống thở. Sau trải nghiệm lặn biển đáng nhớ, cano sẽ được du khách về với Bãi Ông để nghỉ ngơi, ăn trưa. Bãi Ông thu hút du khách bởi sở hữu cảnh đẹp thơ mộng và bờ cát mịn bậc nhất Hòn Lao. Tại đây, bạn có thể thưởng thức bữa tiệc hải sản tươi ngon và thư giãn dưới hàng dừa rợp bóng mát bên bờ biển. Đến khoảng 1h30 sẽ được đưa trở lại bờ về khách sạn.
Những ai lần đầu đến với Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ bị hòn đảo này quyến rũ. Một màu biếc xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng và màu trời xanh thẳm… Không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà con người nơi đây mới thực sự là “món quà quý” mà hòn đảo này dành tặng du khách. Kể từ khi được công nhận là khu bảo tồn biển, người dân trên đảo Cù Lao Chàm luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường. Muốn khám phá hết vẻ đẹp Cù Lao Chàm thì nên đi Cù Lao Chàm 2 ngày lưu trú tại các homestay ở bãi Làng hoặc bãi Hương. Giá phòng trung bình từ 150.000-300.000 đồng/người tùy loại. Các bạn sẽ thực sự được ăn ở cùng người dân, được người dân giới thiệu cũng như hướng dẫn một cách tận tình nhất để khám phá hòn đảo này.
Đảo Ngọc Sơn Chà – Huế
Nếu Cù Lao Chàm được mệnh danh là đảo ngọc của Hội An thì xứ Huế mộng mơ lại được nhắc đến với đảo ngọc Sơn Chà. Sơn Chà nằm dưới chân đèo Hải Vân, cách vịnh Lăng Cô khoảng 600 m, thuộc địa phận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhìn xa, hòn đảo tựa một chiếc chảo úp ngược nên hòn đảo này còn được người dân xưa kia gọi là hòn Chảo. Nơi đây còn được biết đến với những tên như Cù Lao Hàn, hòn Sơn Chà…. Bởi vì nằm ở vị trí khá xa với khu dân cư nên Đảo Sơn Chà vẫn giữ cho mình được vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc vốn có. Dù chỉ rộng chừng 1,5km2 nhưng Sơn Chà – Đảo Ngọc có một hệ đa dạng sinh học không thua kém những vùng biển nổi tiếng trên cả nước.
Vị trí đảo nằm giữa thành phố Đà Nẵng và Huế nên du khách cần đến hai tỉnh thành này trước khi thuê canô để tới. Hòn đảo này vừa mới được đưa vào khai thác nên phương tiện đi lại còn hạn chế. Vào mùa cao điểm, cuối tuần bạn nên liên lạc đặt chổ trước. Nếu xuất phát từ vịnh Lăng Cô (Huế), chỉ mất chừng 20 phút để đến đảo Ngọc, còn nếu xuất phát từ bãi Xuân Thiều (Đà Nẵng) phải mất thêm 10 phút nữa canô mới đưa bạn đến đảo. Điểm đầu tiên sau khi đặt chân lên đảo đó là khu vực bãi Chuối. Biển ở đây trong vắt, mặt nước màu ngọc bích, có bãi biển cát vàng uốn lượn quanh như bao lấy một không gian bể bơi trên bờ. Điều đặc biệt ở đây không chỉ được nghe những thanh âm rì rào của sóng và hứng những làn gió biển mát lạnh mà du khách còn có thể vừa tắm biển vừa ngắm đoàn tàu Bắc – Nam uốn mình băng qua ghềnh núi hùng vĩ vô cùng thú vị.
Đến với Đảo Ngọc (Sơn Chà) này bạn còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Thỏa thích lặn ngắm san hô cùng với nhiều loài sinh vật biển, tham gia trò chơi bắt cá, câu cá, cua, thưởng thức những loại hải sản tươi ngon…Sau một ngày rong ruổi khám phá sự hoang dã trên đảo, đêm xuống du khách có thể ở lại đảo cắm trại trên bãi biển; tận hưởng làn gió mát, hít thở bầu không khí trong lành.
Cồn Cỏ – Quảng Trị
Đảo Cồn Cỏ được ví von như “viên ngọc thô” ẩn mình giữa biển xanh, nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 17 hải lý. Với vị trí đặc biệt là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi ghi dấu những năm tháng lịch sử chiến đấu anh hùng của dân tộc.
Được hình thành từ nham thạch núi lửa, Cồn Cỏ có diện tích khoảng 4 km2 không có nhiều bãi tắm trải dài với cát trắng nên thơ, nhưng làn nước trong vắt, không khí trong lành, hệ sinh thái rừng biển phong phú và những dấu tích lịch sử hào hùng khiến đảo nhỏ này thực sự hấp dẫn du khách gần xa.
Thời gian đi đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó các tháng 5, 6, 7 là thời điểm thời tiết sóng lặng biển êm, nắng nóng, phù hợp hơn với hình thức du lịch biển. Hiện nay, đã có tàu cao tốc ra đảo. Tàu xuất phát từ cảng Cửa Việt vào 8h sáng các ngày thứ 2, 5 và 7 và trở lại 8h sáng các ngày thứ 3, 6, Chủ Nhật hàng tuần. Nếu bạn lo lắng về vấn đề di chuyển, nơi ăn, chổ ở… thì cách đơn giản và thuận tiện nhất đó là mua tour Cồn Cỏ trọn gói của các công ty du lịch.
Sau 1 tiếng rưỡi, tàu cập bến đảo Cồn Cỏ. Nếu đi tour thường các công ty sẽ cho các bạn di chuyển bằng xe điện đi quanh đảo thăm thú các di tích cũng như cảnh quan của hòn đảo. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến tham quan đảo Cồn Cỏ là phòng truyền thống huyện đảo Cồn Cỏ. Tại đây hiện trưng bày, giới thiệu gần 80 hình ảnh và hơn 60 hiện vật tái hiện phần nào lịch sử hào hùng của quân dân Cồn Cỏ, nơi được ba lần Bác Hồ gửi thư khen. Bên cạnh đó du khách cũng được hiểu rõ hơn về sự phá tích ra đời, tài nguyên thiên nhiên và những tiềm năng phát triển của hòn đảo.
Sau khi rời phòng truyền thống, du khách dừng chân tại Cột cờ Tổ quốc sừng sững giữa biển khơi, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tiếp theo đến tham quan đồi 37, điểm cao thứ 2 trên đảo Cồn Cỏ. Nơi đây là Đài tưởng niệm tôn vinh những người lính anh dũng đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc. Ghé thăm Bến Nghè chính là nơi cập bến của những người đêm đêm vượt biển tiếp tế cho đảo trong chiến tranh. Ngay phía trước Bến Nghè, phóng tầm mắt ra biển là những bãi đá bazan độc đáo, nơi đây sóng biển vỗ rì rào tạo ngày đêm, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp khiến ai một lần được đặt chân đến đều vô cùng thích thú.
Điểm gây ấn tượng du khách khi đến thăm Cồn Cỏ, là ngọn hải đăng. Nhìn từ xa, ngọn hải đăng đứng sừng sững giúp tàu thuyền định hướng và là cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với đảo Cồn Cỏ. Từ trên đỉnh ngọn hải đăng, các bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quanh toàn đảo. Ngay bên cạnh ngọn Hải Đăng là Đài quan sát Thái Văn A. Thái Văn A là chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ, làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu. Do có công lao lớn nên sau này được đặt tên cho ngọn đồi trên đảo Cồn Cỏ. Ngoài ra còn có một số điểm tham quan khác như Giếng cổ, Biển Đá Đen, Mõm Hổ, hồ Nước Ngọt, Bến Sông Hương, hoặc một số đồn cũ của quân dân ta thời chiến…
Du khách cũng được khám phá rừng nguyên sinh Cồn Cỏ. Được đánh giá là hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng, là hệ sinh thái rừng khá hiếm của núi lửa Việt Nam, các loại cây đặc trưng của vùng biển đảo như: Cây Bàng vuông, cây Dứa dại, cây Phong ba và nhiều cây thuốc quý như: giảo cổ lam, chuối rừng. Chính vì vậy, khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo giữa biển khơi cũng là trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến hòn đảo này.
Chiều mát chính là thời điểm để bạn tới Bến Tranh nằm ngay kế bên cầu cảng vui chơi tắm biển lặn ngắm san hô. Bạn củng đừng quên thưởng thức các đặc sản ở nơi đây như: ốc nón, rong biển, cháo cá nhảy, giảo cổ lam,…
Đảo Yến – Quảng Bình
Với vẻ đẹp đầy chất thơ còn ít người biết đến, Đảo Yến đang thu hút những du khách ưa khám phá và tìm kiếm điểm đến mới lạ. Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió, nằm cách Đèo Ngang 7 km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đây được cho là hòn đảo duy nhất khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có chim yến về làm tổ, trú ngụ. Đảo còn nguyên vẻ hoang sơ, đến nay chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến.
Đảo Yến tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra biển lớn, rộng khoảng 10ha, nhiều bãi đá kỳ vĩ, nhiều hang. Cùng với Vũng Chùa – nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vũng Chùa – Đảo Yến sẽ là điểm đến giá trị, kết nối với Hoành Sơn Quan, đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa… tạo thành một tuyến du lịch Quảng Bình đầy thu hút. Hiện nay chưa có công ty du lịch nào khai thác tour Đảo Yến, nên bạn chỉ có thể tự thuê tàu cá của ngư dân để tới. Lưu ý đi vào những ngày biển êm lặng sóng và tự trang bị áo phao để có một chuyến đi an toàn.
Lên đảo, đứng trên những mô đá cao, du khách ngắm được toàn cảnh biển khơi bao la, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm vào các vách đá. Cảnh quan của hòn đảo Yến này còn mang nét nguyên sơ, hoang vắng, chưa có sự tác động của bàn tay con người. Từ đảo Yến trong ra xa có thể thấy được đảo Hòn La và đảo Gió. Ba hòn đảo tạo thành 3 đỉnh của một hình tam giác, cảnh đẹp như trong cổ tích
Sau những ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi, thật thú vị khi về với biển đảo, tận hưởng cảm giác bước những bước chân trần trên bãi đá, gió mát lùa vào mặt và luồn vào từng sợi tóc, lắng tai nghe tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân, ngắm nhìn bãi cát uốn lượn quanh mặt nước biển màu xanh ngọc bích, mãn nhãn với các rặng san hô đẹp đủ màu sắc. Hãy đến Miền Trung để khám phá và hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ đẹp “mê ly” này các bạn nhé.