Bảo tàng Quảng Bình đã mở cửa phục vụ khách tham quan

Du lịch bảo tàng được xem là con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, tập quán của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Chính vì vậy, nếu có dịp du lịch Quảng Bình, bạn đừng quên dành thời gian đến tham quan Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình.

Bảo tàng Quảng Bình trong khu vực di tích Thành Cổ Đồng Hới.

Bảo tàng Quảng Bình tọa lạc tại đường Hùng Vương, phường Đồng Hải, ngay trung tâm thành phố Đồng Hới trong khu vực di tích Thành Cổ Đồng Hới. Đây là vị trí thuận lợi để giới thiệu với du khách về hàng nghìn kỷ vật lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ…

Khuôn viên bảo tàng có tổng diện tích 2.500m2

Bảo tàng Quảng Bình được khởi công xây mới vào năm 2003, với kinh phí đầu tư 34 tỷ đồng. Trong thời gian dài, do thiếu nguồn vốn nên gói thầu trưng bày nội và ngoại thất bảo tàng không thể hoàn thành, Bảo tàng luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài.”

Việc Bảo tàng được tỉnh Quảng Bình tiếp tục đầu tư hoàn thiện và mở cửa đón khách đã khiến nhiều người dân vui mừng và kỳ vọng góp phần đưa ngành du lịch Quảng Bình phát triển.

Bức phù điêu biểu tượng phòng khánh thiết

Khuôn viên bảo tàng có tổng diện tích 2.500m2, trong đó nhà trưng bày 3 tầng với diện tích 2.000m2 là nơi trưng bày  hơn 15.000 tranh ảnh, hiện vật liên quan đến văn hóa Quảng Bình thuộc nhiều thời kỳ gồm đồ đá, trống đồng, vũ khí, đồ đồng, tượng gốm…Bên cạnh mỗi hiện vật là những chú thích vô cùng chi tiết, giúp người đến tham quan cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về lịch sử cội nguồn của những đồ vật cổ xưa này. Qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người dân Quảng Bình ở nhiều nhiều năm về trước.

Thiên nhiên, con người quê hương Quảng Bình

Cuốn sách thư pháp bằng tiếng Việt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phần trưng bày gồm các chủ đề:
– Chủ đề 1: Thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên Quảng Bình
– Chủ đề 2: Văn hóa các dân tộc Quảng Bình
– Chủ đề 3: Quảng Bình thời kỳ tiền – sơ sử và văn hóa Chămpa
– Chủ đề 4: Quảng Bình từ thế kỷ XI đến năm 1945
– Chủ đề 5: Quảng Bình thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945 – 1954)
– Chủ đề 6: Quảng Bình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội (7/1954 – 5/1975)
– Chủ đề 7: Quảng Bình thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới phát triển (từ năm 1975 đến nay)

Các hang động nổi tiếng của Quảng Bình

Các động thực vật ở Quảng Bình

Văn hóa các dân tộc Quảng Bình

Mô hình người dân nhóm lửa bằng củi

Trang phục các dân tộc ở Quảng Bình

Văn nghệ dân gian của người Chứt – Người A Rem trong hang động

Nét bổi bật nhất về hiện vật do Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình quản lý là những cổ vật, hiện vật các thời kỳ lịch sử. Những hiện vật này phản ánh rõ nét ngay từ thời tiền sử, Quảng Bình từng là nơi cư trú và là địa bàn sinh sống của người nguyên thuỷ thời đại đồ đá với các thời kỳ thuộc Văn hoá Hoà Bình (sơ kỳ đồ đá mới, cách ngày nay trên dưới 1 vạn năm) và Văn hoá Bàu Tró (hậu kỳ đồ đá mới, cách nay trên dưới 4000 năm); đồng thời phản ánh quá trình hình thành, phát triển vùng đất Quảng Bình. Trải qua các đời vua Lý, Trần, Lê, vùng đất Quảng Bình được mang nhiều tên gọi khác nhau. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà Nguyễn chính thức đặt tên tỉnh Quảng Bình và tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay. Đây là vùng đất gặp gỡ giao lưu các nền văn hoá lớn trong khu vực như Đông Sơn, Chăm Pa, Đại Việt, ấn Độ, Trung Hoa. Tất cả các cổ vật, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình là sự minh chứng cho các thời đại đã qua của vùng đất này. Với các cách trưng bày rất hấp dẫn và thực sự thu hút, nó khiến du khách cảm nhận như được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của Quảng Bình.

Quảng Bình thời kỳ tiền – sơ sử

Về Văn hoá Hoà Bình, hiện vật gồm có công cụ sản xuất  bằng đá, công cụ bằng xương, đồ gốm, tiêu biểu là rìu lưỡi một đầu bằng đá, rìu ngắn bằng đá, chày nghiền bằng đá. Hiện vật thuộc thời kỳ văn hoá Bàu Tró có loại hình như công cụ sản xuất (rìu, bôn, cuốc, đục…), đồ trang sức (vòng tay, khuyên tai, nhẫn, hạt chuỗi… được làm từ cát kết hạt mịn, màu xanh nhạt hoặc xám chì với kỹ thuật mài, cưa, khoan, tiện), đồ gốm (nồi, vò, bình bát, cốc, chậu, mâm bồng, với  3 màu cơ bản: gốm đỏ, gốm đen và gốm xám). Các hiện vật này đã thể hiện đời sống tinh thần của người nguyên thuỷ trên đất Quảng Bình ở thời kỳ sơ kỳ đá mới, hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí.

Vòng đá khai quật tại hang Lèn

Các hiện vật tại Di chỉ Ba Đồn

Các hiện vật tại Di chỉ Bàu Tró

Số lượng hiện vật thuộc thời kỳ Đông Sơn (cách ngày nay trên dưới 4000 năm) tuy số lượng ít  nhưng khá phong phú loại hình: đồ đá, đồ đồng, đồ thuỷ tinh và đồ gốm. Trong đó, đồ đồng là loại hình có nhiều nhất, gồm có:  công cụ sản xuất  (rìu đồng, lưỡi câu…), vũ khí (lưỡi giáo, mũi lao, dao găm), đồ dùng sinh hoạt (thố đồng, đồ minh khí dùng thờ tự…),  nhạc khí (trống đồng Phù Lưu thuộc loại 1 Hê gơ), đồ trang sức (khuyên tai, vòng tay). Đặc trưng các loại hình hiện vật của thời kỳ Văn hoá Đông Sơn lưu giữ ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình đã cho thấy sự ảnh hưởng qua lại giữa Văn hoá Sa Huỳnh và Văn hoá Đông Sơn khá rõ nét, đặc biệt là qua hiện vật “khuyên tai hai đầu thú”; đồng thời phản ánh sự phát triển cao về kỹ thuật, tính thống nhất, đa dạng của Văn hoá Đông Sơn với những yếu tố địa phương…

Thời kỳ Văn hoá Đông Sơn

Văn hóa Chăm Pa

Có niên đại từ thế kỷ X-XI

Về các hiện vật phản ánh lịch sử truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Bình trong thời kỳ quốc gia phong kiến Đại Việt (Lý, Trần , Lê, Trịnh- Nguyễn, Tây Sơn), gồm có: các loại vũ khí đánh giặc, gia phả, thần phả, ngọc phả. 

Quảng Bình thời Trịnh Nguyễn phân tranh

Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình còn có các bộ sưu tập lớn như: Bộ sưu tập đồ gốm- sành- sứ phát hiện được trên địa bàn tỉnh (sưu tập Lý- Trần, sưu tập Lê-Trịnh, sưu tập men lam thời Nguyễn, sưu tập gốm- sành Mỹ Cương, sưu tập bình vôi qua các thời kỳ). Bộ sưu tập tiền cổ của Việt Nam và Trung Quốc (có độ tuổi  từ 2.00 đến 2000 năm tuổi). Bộ sưu tập vũ khí qua các thời kỳ lịch sử, như sưu tập súng thần công. Bộ sưu tập về phong trào Cần Vương tại Quảng Bình, gồm: các loại vũ khí của nghĩa quân, hiện vật các các thủ lĩnh, binh lính Cần Vương.

Súng thần công

Bộ sưu tập đồ gốm- sành- sứ

Bảo tàng hiện đang lưu giữ một bảo vật quốc gia, ấn quan tuần phủ Đô tướng quân bằng đồng niên đại năm Hồng Thuận thứ 6 – đời vua Lê Tương Dực (năm 1515). Đây là bảo vật đầu tiên và cũng là duy nhất đang được bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Trong số các ấn (triện) được kiểm kê, đăng ký và bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cũng như tại các bảo tàng Trung ương và bảo tàng địa phương trên toàn quốc, chiếc ấn của quan Tuần phủ Đô tướng quân là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm và tiêu biểu cho các loại ấn dưới triều đại nhà Lê sơ. Đây là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan Tuần phủ Đô tướng quân của thời Lê sơ trên cả nước.

Ấn quan tuần phủ Đô tướng quân

Ở khu vực tái hiện lại lịch sử thời kì chống Pháp và Mỹ, có trưng bày các hiện vật: súng, đạn, bom, chiếc xe đạp thồ, mũ sắt, những bức ảnh về người lính trong các trận đánh v.v.Thông qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày cùng những lời thuyết minh giúp cho du khách dễ dàng tiếp nhận những thông tin và mở rộng kiến thức.

Quảng Bình thời kỳ kháng chiến chống Pháp & Mỹ

Đặc biệt, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình lưu giữ một số lượng khá lớn hiện vật về sự ra đời các tổ chức Đảng, các lực lượng vũ trang cách mạng ở Quảng Bình, hiện vật về các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ, bảo quản chiếc máy cày của Bác Hồ tặng cho HTX Đại Phong (Lệ Thuỷ)- lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hoá.

Các loại vũ khí trong chiến tranh

Quảng Bình trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Bên ngoài, Bảo tàng được bố trí một số hiện vật kích thước lớn như máy bay, máy cày, bia đá…

Từng là mảnh đất của những giao tranh lịch sử, giao thoa văn hóa, Quảng Bình mang trong lòng những vết dấu xưa cũ nhưng lại có giá trị vững bền đến hôm nay. Những hiện vật cổ phủ màu thời gian đang được lưu giữ ở bảo tàng nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về ngày hôm qua, sống tốt cho hôm nay và phấn đấu cho ngày mai.

Hàng ngàn cổ vật minh chứng cho những giai đoạn lịch sử hào hùng, những tác phẩm nghệ thuật quý giá bậc nhất cùng vô số bức điêu khắc sống động… khiến du khách mỗi khi đến bảo tàng Quảng Bình không muốn rời đi.

Thời gian mở cửa:
– Sáng: 8 giờ – 11 giờ
– Chiều: 13 giờ 30 phút – 16 giờ 30 phút.
Vào các ngày trong tuần (trừ thứ 7 và chủ nhật).