Bến Đò & Tượng Đài Mẹ Suốt điểm đến không thể bỏ qua tại Đồng Hới
Nếu từng có cơ hội du lịch Quảng Bình, đến với mảnh đất miền Trung nắng gió chắc hẳn không thể nào quên được tượng đài mẹ Suốt với dáng đứng hiên ngang chèo đò bên cạnh dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Được khánh thành vào năm 2003, tượng đài mẹ Suốt Quảng Bình là địa điểm tham quan không thể bỏ qua tại thành phố Đồng Hới.
Người phụ nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt
Cái tên mẹ Suốt chính là tên gọi thân quen của anh hùng Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta chi viện cho chiến trường. Những chuyến đò của mẹ cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa thị xã Đồng Hới với Bảo Ninh. Dưới làn mưa bom bảo đạn của kẻ thù, mẹ cùng chiếc đò ngang đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại đôi bờ. Không hình ảnh nào đẹp hơn một bà mẹ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ. Ước tính mỗi năm Mẹ Suốt có 1.400 chuyến đò qua lại giữa hai bờ sông Nhật Lệ. Năm 1967, mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 13/10/1968, mẹ đã hi sinh trong một trận càn quét ác liệt của dàn máy bay Mỹ.
Hình tượng mẹ Suốt quả cảm không chỉ là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng mà còn trở thành đề tài cho biết bao tác phẩm văn thơ yêu nước trong thời kỳ kháng chiến và được lưu lại cho đến tận bây giờ. Hình ảnh mẹ Suốt Quảng Bình được nhà thơ Tố Hữu khắc họa qua những câu thơ xúc động trong bài thơ “Mẹ Suốt”:
“…Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ.
Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…”
Tên tuổi anh hùng Nguyễn Thị Suốt được cả nước biết đến như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mẹ Suốt đã trở thành hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất và là sức mạnh cổ vũ, động viên nhân dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mẹ Suốt là một phụ nữ tiêu biểu của vùng đất “hai giỏi” như Bác Hồ kính yêu đã khen tặng “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.
Tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình
Tượng đài mẹ Suốt nằm bên bến đò sông Nhật Lệ, là di tích lịch sử Quảng Bình để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho mỗi du khách khi ghé thăm nơi này. Năm 2003, tượng đài mẹ Suốt cùng quần thể khu tưởng niệm được cắt băng khánh thành.
Tọa lạc trên trục đường Quách Xuân Kỳ, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vị trí tượng đài cách cầu Nhật Lệ khoảng 1km. Tượng đài mẹ Suốt cũng như tinh thần của mẹ sống mãi cùng với năm tháng và lưu mãi trong lòng những người con Quảng Bình về một hình ảnh người phụ nữ anh hùng.
Tượng đài Mẹ Suốt được phác họa bởi nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, cao 7 mét bao gồm cả bệ. Hình mẫu tượng tròn, chi tiết phù điêu thể hiện hình ảnh người mẹ tay cầm chắc mái chèo, đầu ngẩng cao hiên ngang, vai khoác tấm vải dù bay phấp phới. Chân tượng, một bên khắc họạ lại hình ảnh sóng gió bom đạn, một bên là hình ảnh bộ đội, dân công, thương binh, thanh niên xung phong mà Mẹ Suốt đã đưa sang sông. Khuôn mặt hướng về phía sông Nhật Lệ như luôn đau đáu nỗi mong cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho những người con dân tộc.
Bên cạnh di tích tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình, bến đò mẹ chèo biết bao chuyến đò năm xưa cũng được người dân giữ gìn và bảo vệ. Di tích bến đò mẹ Suốt nằm ở thôn Trung Kính, Bảo Ninh, gần với chợ Đồng Hới ở phía tả ngạn sông Nhật Lệ.
Chiến tranh đã qua đi, vượt lên đau thương hoang tàn, Đồng Hới đang từng ngày đổi mới trở thành một thành phố xinh dẹp. Sông Nhật Lệ đã có cầu Nhật Lệ bắc qua nhưng bến đò mẹ Suốt, con đường mẹ Suốt mãi mãi là chiến tích lịch sử của một thời oanh liệt và tượng đài mẹ mãi là hoài niệm đẹp trong lòng du khách mỗi lần đi xa Đồng Hới- Quảng Bình.
Đặt chân tới Quảng Bình, các bạn hãy đến thăm di tích bến đò năm xưa tượng đài mẹ Suốt bên cạnh dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, thắp hương tưởng nhớ công lao của Mẹ. Ngắm nhìn ngôi làng Bảo Ninh vào lúc hoàng hôn buông xuống. Để cảm nhận hết một thời lịch sử hào hùng, được sống lại một thời oanh liệt của dân tộc với những con người quả cảm, anh hùng qua hình ảnh mẹ Suốt.