Đường 20 Quyết Thắng

Đường 20 Quyết Thắng: Huyền Thoại Trường Sơn

Đường 20 Quyết Thắng, một trong những tuyến đường huyền thoại của Trường Sơn, ghi dấu những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Con đường này không chỉ là một tuyến giao thông quan trọng, mà còn là biểu tượng của ý chí, quyết tâm và sự hy sinh to lớn của quân và dân ta.

Tuyến đường huyết mạch

Đúng như tên gọi, Đường 20 Quyết Thắng được xây dựng để đảm bảo thế chủ động trên mặt trận vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho miền Nam, 17h30 ngày 30 Tết Bính Ngọ 1966 (ngày 21/01/1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuất phát từ thôn Phong Nha, tỉnh Quảng Bình xuyên qua dãy Trường Sơn đến ngã ba Lùm Bùm đường 128 thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào và ra chỉ lệnh thời gian mở đường không quá 105 ngày, một ngày phải mở xong 1 km đường.

Đường 20 Quyết Thắng len lõi giữa rừng già Phong Nha – Kẻ Bàng

Lực lượng chính mở đường là bộ đội Đoàn 559 và các Đội thanh niên xung phong. Với lực lượng, vị trí ý nghĩa trọng yếu đó, tuyến đường đã được đặt tên là Đường 20 Quyết Thắng. Tuyến đường thi công bí mật, mở đến đâu, ngụy trang đến đó, sau gần 100 ngày lao động quên mình, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bộ đội, TNXP và công nhân, dân công hỏa tuyến, tuyến đường dài 125 km chính thức khai thông ngày 14/4/1966.

Con đường 20 quanh co bên sườn núi

Chứng nhân lịch sử

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, suốt từ năm 1966 – 1973, Đường 20 Quyết Thắng đã bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Số lượng bom đạn ném xuống con đường này nhiều không kể xiết. Rất nhiều chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên con đường này. Máu của họ đã thấm đỏ mỗi thước đường. Mỗi cung đường, địa danh như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-la-nhích, Trạ Ang, Hang Tám Cô, Cà Roòng, km 12, km 16, dốc Ba Thang… trở thành những tọa độ lửa.

Phong cảnh hùng vỹ trên đường 20 Quyết Thắng

Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” các Đội TNXP, điển hình là Đội N25 và C255 – N25 anh hùng và các anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ…; nhất là sự kiện hy sinh bi hùng của 8 TNXP tại Km 16 đã làm xúc động hàng triệu trái tim.

Ngày 14/11/1972, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Còi báo động vang lên, 8 TNXP chạy vào ẩn nấp ở một hang đá lớn, nơi họ thường trú ẩn mỗi khi máy bay địch đánh phá. Hôm đó, máy bay B52 rải thảm xuống trọng điểm 16+200 ba đợt liên tục với 180 quả bom.

Xe chi cho chiến trường miền Nam trên đường 20 Quyết Thắng

Không gian rung chuyển, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi dựng đứng lắc lư. Và bất ngờ, chúng quay lại bắn thêm tên lửa làm một khối đá khổng lồ nặng khoảng 1.000 tấn lăn xuống lấp kín cửa hang mà 8 TNXP (4 nam, 4 nữ) đang trú ẩn.

Ngay khi mới dứt bom, đồng đội tìm mọi cách để cứu nhưng đành bất lực trước khối đá khổng lồ quái ác đương bít chặt cửa hang. Một, rồi hai ngày đêm nặng nề trôi qua. Âm thanh xa xăm yếu ớt vọng ra từ khối đá “Mẹ ơi con tức thở quá. Các anh chị ơi cứu chúng em…”.

Tiếng kêu cứu từ trong hang vẫn vọng ra, mà cửa hang thì bị lấp kín! Mặc dù toàn đơn vị đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội, nhưng do chiến tranh khốc liệt, khối đá quá lớn, mà nhiệm vụ phải thông tuyến cho đoàn xe 150 chiếc chở hàng đi qua trọng điểm lại rất cấp bách, nên không thể có cách nào cứu được.

Trạm kiểm lâm trên Đường 20 Quyết Thắng

Mọi cố gắng trở nên vô vọng. Suốt một tuần liền, đồng đội đau đớn chứng kiến 8 TNXP đuối sức từng ngày rồi hy sinh. Sự hy sinh dũng cảm của 8 liệt sĩ TNXP là tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã gây chấn động toàn mặt trận, tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục giữ vững tuyến đường cho đến ngày chiến thắng. Mãi đến nhiều năm sau, tảng đá quái ác ấy mới được các phương tiện cơ giới hiện đại dịch đi…

Hang Tám Cô gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong

Hang Tám Cô gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong

Hang Tám Cô không chỉ là nơi tưởng niệm 8 liệt sĩ trẻ tuổi mà còn là biểu tượng cho sự hy sinh, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Đường 20 Quyết Thắng đã làm nên những chiến công oanh liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá Đường 20 Quyết Thắng “Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên”.

Bài học và ý nghĩa ngày nay

Ngày nay, Đường 20 Quyết Thắng không chỉ là một tuyến đường giao thông, mà còn là một di sản văn hóa quan trọng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Di tích lịch sử Đường 20 Quyết Thắng

Di tích lịch sử Đường 20 Quyết Thắng

  • Tinh thần yêu nước: Đường 20 Quyết Thắng là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
  • Sự hy sinh cao cả: Những chiến sĩ, thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ và xây dựng tuyến đường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
  • Giá trị của hòa bình: Đường 20 Quyết Thắng nhắc nhở chúng ta về những mất mát, đau thương của chiến tranh, từ đó càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do mà chúng ta đang có.

Đường 20 Quyết Thắng mãi mãi là một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của con đường này, để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.