Du ngoạn trên sông Nhật Lệ
Dòng sông Nhật Lệ như nét vẽ tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Nhật Lệ là tên đoạn hạ lưu của một hệ thống sông bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi dãy Trường Sơn phía tây nam tỉnh Quảng Bình chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Sông có chiều dài 85 km với hai nhánh chính: sông Long Đại chảy qua huyện Quảng Ninh và sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy, gặp nhau ở Trung Quán.
Suốt hàng trăm năm qua, các nhà viết sử từ cổ – trung đại cho đến cận – hiện đại đã dành nhiều bút mực để giải nghĩa hai từ Nhật Lệ.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Lê Văn Hưu, cái tên Nhật Lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 11. Cũng theo giải thích của bộ sử cổ này, Lệ được hiểu là đẹp. Nhật Lệ là sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời. Còn một cách giải thích khác gắn với những truyền thuyết mà dân gian đã thêu dệt nên, thì: Nhật Lệ nghĩa là nước mắt của những cuộc chia tay…
Nhiều truyền thuyết, huyền thoại đã được thêu dệt nhằm giải mã cho cái tên “Nhật Lệ”. Có người viện dẫn việc vương phi Mỵ Ê của vua nước Chiêm Thành Xạ Đẩu đã trầm mình trên dòng sông để thủ tiết sau khi vua Lý Thái Tông thân hành đem binh chinh phạt Chiêm Thành năm 1044. Dòng sông này tương truyền còn là nơi chứng kiến cuộc chia tay cuối cùng của Huyền Trân công chúa với vua cha Trần Nhân Tông và hoàng tộc trước khi lên đường vào làm dâu xứ người…Năm 1306, công chúa Huyền Trân trên hành trình đường biển vào Chiêm Thành, đến vùng cửa biển Nhật Lệ, nàng đã xin lên bộ để được tận mắt thấy dải đất 2 châu Ô, Lý mà cuộc “nước non ngàn dặm ra đi” của mình mang về cho tổ quốc.Cảm thương cho bậc kiều nữ của hai đất nước đã lặng lẽ đánh rơi những giọt lệ buồn man mác mà người xưa đã gọi tên dòng sông là Nhật Lệ .
Người khác lại cho rằng trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1570 – 1786), khi dòng sông Gianh trở thành lằn ranh của hai bên chiến tuyến thì những lưu dân ở bờ Nam vẫn thường hướng về bờ Bắc, nhớ quê hương mà dòng lệ tuôn rơi. Lâu dần nước mắt chảy thành sông rồi từ sông chảy ra biển mà thành tên Nhật Lệ .
Theo sử cũ ghi lại thì tên sông “Nhật Lệ” có từ thời Lý và được đổi từ tên cũ Đại Uyên (khoảng 1069 – 1075). Cửa Nhật Lệ còn có các tên gọi khác như Trú Nhạ, Hà Cừ, Cửa Sài…, là một loại cửa lệch không rộng, không sâu, nước chảy đều thuận lợi cho các thuyền vừa và nhỏ vào, ra neo đậu.
Mặc cho có nhiều hàm ẩn về tên gọi, nhưng dòng sông Nhật Lệ thì vẫn luôn là chứng tích của lịch sử mở cõi, là chứng nhân đi cùng những thăng trầm của lịch sử phát triển dân tộc Việt.
Cùng với đó, những áng thơ bất hủ có giá trị nghệ thuật trường tồn với thời gian của vua Lê Thánh Tông hay của Đại thi hào Nguyễn Du được chấp bút tại đây đã làm cho thắng cảnh Nhật Lệ lấp lánh hơn trong dòng lịch sử Quảng Bình và của dân tộc.
Du lịch Quảng Bình, đến đây bạn sẽ được hoà mình vào làn nước trong vắt và xanh ngắt ở bãi biển Nhật Lệ. Bãi tắm thoai thoải sâu rất an toàn, đến Nhật Lệ, du khách thả hồn theo những bước chân trần trên cát, lãng du vào những truyền thuyết dạt dào tình yêu.
Bên cạnh bãi biển là tượng đài mẹ Suốt vẫn đứng hiên ngang trầm mặc sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã qua đi nơi vùng quê gió Lào cháy bỏng này. Nhìn từng đợt sóng vỗ vào bờ như bàn tay Mẹ ôm ấp và nô đùa cùng những đứa con thân yêu.
Dọc trên sông Nhật Lệ có bến phà Quán Hàu, một địa danh quen thuộc đối với khách bộ hành xuôi ngược Bắc – Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, bến phà Quán Hàu là trọng điểm bắn phá ác liệt của kẻ thù, bởi đây là huyết mạch giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A giữa hậu phương lớn Miền Bắc với chiến trường Miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia. Với khẩu hiệu “Phà chờ xe, quyết không để xe chờ phà”, những chiến sỹ công binh đã anh dũng dùng canô rà phá từng loạt bom từ trường, thủy lôi của giặc Mỹ thả xuống để bảo vệ cho những chuyến phà chở lương thực, đạn dược qua sông Nhật Lệ thông suốt.
Dù chiến tranh có tàn khốc, lịch sử có những lúc thăng trầm, nhưng nhìn về chiều sâu văn hóa thì Nhật Lệ vẫn là dòng sông đẹp như đúng tên gọi của nó. Từ sâu thẳm của lịch sử phát triển dân tộc Việt hiện hữu qua những hiện vật minh chứng cho hệ văn hóa Bàu Tró phát triển rực rỡ từ 5000 ngàn năm trước, cho đến hình ảnh một thành phố Đồng Hới thơ mộng hôm nay, tất cả đang cùng nhau tỏa bóng lung linh bên dòng Nhật Lệ.
Và những gì còn lại của lịch sử mở cõi lớn lao, của công cuộc trường kỳ bảo vệ hòa bình cho đất nước vẫn luôn là dấu ấn in đậm ở đôi bờ Nhật Lệ. Con sông – chứng nhân của một thời chia xa tình cảm máu mủ lại là nơi đoàn tụ của một gốc giang sơn Miền Trung ruột thịt thời Huyền Trân công chúa. Con sông cũng như mẹ hiền nhận vào lòng dòng nước mắt con dân chảy xuống trong những tháng năm đất nước chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài. Tất cả vẫn là những phần trang trọng của lịch sử. Nó đang hòa chung với ý chí kiên cường của con người Quảng Bình, đang chảy cùng dòng Nhật Lệ tiến về biển khơi bao la.
Người dân xứ Quảng và du khách tới đây có thú vui ra bờ sông ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc. Dù bao lần ngắm thì vẫn cảm giác háo hức như mới lần đầu… Và khi ánh dương khuất sau dãy núi Trường Sơn, du bạn sẽ sững sờ trước sựu hùng vỹ của núi Đầu Mâu, núi Ba Rền gối đầu lên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng.
“Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy,
Núi Đầu Mâu cao biết bao tầng…”
Không quá rộng nhưng sông luôn biếc xanh và đủ làm dịu mát một vùng cát trắng; không quá dài nhưng cũng đủ cho những con đò mải mê xuôi ngược. Không còn là khát vọng nối đôi bờ của hàng trăm năm trước, bây giờ trên dòng Nhật Lệ có hai cây cầu không chỉ phục vụ giao thương mà nối cả ước mơ, khát khao vươn lên của thành phố Ðồng Hới nơi miền gió Lào, cát trắng.
Trong vòng bán kính 2 đến 3 km tính từ điểm giữa cầu Nhật Lệ, du khách có thể đến thăm các điểm di tích thắng cảnh nổi tiếng của Đồng Hới như di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, Lũy Thầy, Quảng Bình Quan, Thành Đồng Hới…
Đến Nhật Lệ, thả hồn theo những bước chân trần trên cát, ngắm nhìn tượng đài Mẹ Suốt bất khuất, ngẩng cao đầu mặc mưa bom, bão đạn, chở bộ đội trên dòng Nhật Lệ huyền thoại. Nhìn những chuyến tàu đi khơi, đi lộng về neo đậu trên dòng sông trong sắc trời chiều thơ mộng yên ả, du khách sẽ cảm thấy thật bình yên.
Ảnh: Sưu tầm, Nguyễn Hải