Khu giao tế Quảng Bình – Di tích lịch sử quốc gia

Tọa lạc ở thôn Giao Tế, Đức Ninh, cách trung tâm thành phố Đồng Hới chỉ 3km về phía Tây, Di tích lịch sử Quốc gia, cơ quan Giao tế – Chuyên gia (gọi tắt là Khu giao tế Quảng Bình) được thành lập ngày 21-8-1954 và giải thể vào tháng 7-1988. Trong 34 năm thực hiện sứ mệnh ngoại giao, cơ quan này đã đón tiếp chu đáo trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước. Với vai trò lịch sử vô cùng to lớn của mình, Khu Giao tế Quảng Bình được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (theo Quyết định số 3518/1998-QĐ-BVHTT, ngày 4-12-1998).

Khu giao tế Quảng Bình khi mới thành lập có trụ sở tại thị xã Đồng Hới. Thời kỳ đầu, Khu Giao tế Quảng Bình được xây dựng ở thị xã Đồng Hới, nhiệm vụ của Khu Giao tế lúc này là đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, các đoàn khách đến thăm và công tác tại tỉnh.

Năm 1964, khi giặc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong mưa bom bão đạn, để bảo đảm hoạt động đưa đón, phục vụ khách, Giao tế Quảng Bình đã liên tục chuyển trụ sở tiếp khách cũng như bắt buộc phải chia hoạt động giao tế thành những nhóm nhỏ, đóng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Đức Ninh, Cộn, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Bố Trạch…

Năm 1970, Ủy ban hành chính Quảng Bình quyết định triển khai xây dựng Khu Giao tế tại đồi Đức Ninh. Việc xây dựng đang dang dở thì đế quốc Mỹ quay trở lại, tiếp tục mở rộng cuộc chiến với âm mưu ngày càng xảo quyệt hơn. Khu Giao tế lại tiếp tục sơ tán lên vùng Cộn.

Được thành lập ngày 21-8-1954 và giải thể vào tháng 7-1988

Năm 1973, khi Hiệp định Pari vừa được kí kết, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho Quảng Bình gấp rút xây dựng Khu Giao tế tại Đức Ninh để phục vụ tổ cố định quốc tế đóng tại Đồng Hới giám sát Hiệp định Genevơ. Với bao bộn bề, thiều thốn của một tỉnh vừa mới thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt và trường kỳ, Quảng Bình đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai nhiệm vụ mới.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Khu Giao tế đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động. Với khuôn viên gần 4 héc-ta, Khu Giao tế được chia thành nhiều khu vực như: khu nhà nghỉ cho khách trong nước, khu nhà nghỉ cho khách nước ngoài, nhà làm việc, hội trường, bếp ăn… Đây chính là địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia được Bộ Văn hóa  – Thông tin xếp hạng năm 1998.

Trong 34 năm thực hiện, cơ quan này đã đón tiếp trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước.

Tháng 5/1973, khu Giao tế là nơi đón tiếp đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. 19 đoàn ngoại giao quốc tế và Đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam – Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu cùng các ông Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Thích Đôn Hậu… đã đến khu Giao tế để làm công tác chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam – Việt Nam.

Cũng tại khu Giao tế này, tháng 7/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam – Việt Nam đã đón tiếp và nhận trình quốc thư của 11 quốc gia đến đặt quan hệ ngoại giao như Rumani, Albani, Mông cổ, Nam Tư,…

Nhiệm vụ đầu tiên mà Giao tế Quảng Bình hoàn thành là phục vụ phái đoàn Quốc tế giám sát Hiệp định Giơnevơ.

Tháng 9/1973, khu Giao tế đã vinh dự đón và phục vụ Đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước Cu Ba do đồng chí Phi đen-Catxitơrô dẫn đầu. Tại đây Chủ tịch Phi đen-Catxitơrô đã ở lại nhiều ngày để vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị. Chủ tịch Fidel Castro quá cao lớn, nằm lên giường thừa chân nên bộ phận hậu cần ở Quảng Bình phải gọi thợ mộc đến thay 2 thanh giường 2 bên, kéo dài chiếc giường ra hơn 2 m. Căn phòng nơi Chủ tịch Fidel Castro nghỉ lại hiện vẫn được bảo tồn lưu giữ ở Khu di tích Giao Tế, TP Đồng Hới. Đồng thời, Phi đen-Catxitơrô đã tặng người dân vùng cát Quảng Bình một món quà rất ý nghĩa là xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba ở Đồng Hới để phục vụ nhân dân.

Cũng tại khu Giao tế này, lãnh đạo cao nhất của các nước Lào, Campuchia, Tiệp Khắc, Đảng Cộng sản Pháp… đã đến làm việc và nghỉ tại đây. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta như đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ đã từng vào nghỉ lại ở khu Giao tế để làm việc. Tại khu Giao tế, nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bàn về giải phóng miền Nam đã được khởi xướng…

Năm 2009, Khu Giao tế đã được tôn tạo lại khang trang hơn. Các dãy phòng khách quốc tế, khách trong nước, phòng hội trường, hệ thống sân vườn, cổng, hàng rào… đều được đầu tư tôn tạo lại. Đặc biệt, Ban Quản lý Di tích tỉnh cũng đã dày công sưu tầm các tư liệu, hiện vật có liên quan để mở thêm một phòng trưng bày tại dãy nhà hội trường của Khu Giao tế nhằm giúp khách mỗi khi đi du lịch Quảng Bình hiểu thêm về di tích.

Bởi vậy, từ đó đến nay, điểm di tích Khu Giao tế Quảng Bình càng thêm thu hút khách. Nhiều đoàn khách đều muốn đến thăm lại nơi một thời là địa điểm dừng chân của nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là phòng Chủ tịch Cu Ba Phi đen Catxtơrô đã nghỉ lại khi đến thăm Quảng Bình.