Đình Làng La Hà – Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Quảng Bình

Từ cửa biển Thanh Trạch ngược lên bến phà II, sông Gianh bắt đầu chia làm hai ngả. Nhánh ngược lên thượng nguồn Bố Trạch gọi là nguồn Son, nhánh ngược lên Tuyên Hóa gọi là nguồn Nậy. Hai nguồn sông ấy đổ về xuôi gặp nhau ở cửa Hác và tạo nên một bãi nổi khá lớn, đó là nơi tọa lạc của làng La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch nay là Thị xã Ba Đồn. Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất, có hình con cá chép bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đang đổ vào La Hà, nên người ta thường gọi La Hà là “tứ bút châu nghiên”.

Làng La Hà – Xã quảng Văn nhìn từ trên cao

La Hà là một trong bốn làng nổi tiếng về truyền thống khoa cử, có nhiều người đỗ đạt làm quan to trong các triều đại phong kiến của tỉnh Quảng Bình. Chỉ trong gần một thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn, làng La Hà đã có tới 5 vị tiến sĩ, 1 vị phó bảng và 32 vị cử nhân. Không dừng lại ở đó, đất La Hà thời nào cũng có người đỗ đạt cao, vì thế mà được xếp thứ 2 trong “bát danh hương” trong câu ca “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ” (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa) đã trở thành niềm tự hào ăn sâu bao đời trong tâm khảm của mỗi người dân. “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan” – dân Quảng Bình truyền tụng câu nói với ý vùng đất La Hà thời nào cũng sinh nhân kiệt, lưu danh sử sách.

Lý giải cho sự hưng thịnh của con đường khoa bảng làng La Hà, ông Kiều cho rằng, phong thủy tốt đẹp của vùng đất với thế “tứ bút châu nghiên”, hay “ngũ long tranh châu” đã phát tích sự học và con đường khoa bảng của làng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm của các cụ xưa, xét về khoa học phong thủy cũng chỉ đúng phần nào. Ðiều quan trọng là bởi chính quyền và người dân La Hà bao thế hệ vẫn luôn gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, luôn quan tâm và chăm lo tới sự học của thế hệ trẻ.

Ngày nay, Du lịch Quảng Bình, đến thăm làng La Hà du khách sẽ về với quê hương của nón lá và mây xiên xuất khẩu. Đặc biệt, nghề làm nón lá ở La Hà không chỉ là nghề mưu sinh để người dân nơi đây kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học, mà nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người La Hà. Theo các bậc cao niên của làng, nghề nón có từ bao giờ người La Hà không còn ai nhớ nổi, chỉ biết rằng, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nghề nón ở La Hà vẫn tồn tại và phát triển. Ở làng La Hà, người làm nón thường tập trung thành nhóm năm, ba người ngồi với nhau, vừa chằm nón vừa trò chuyện, hát đối với nhau rất vui vẻ… Hàng trăm người thợ lành nghề của La Hà đã trở thành những người thầy đi khắp mọi vùng để truyền nghề mây cho con em các địa phương trong tỉnh. Mỗi năm, La Hà cung cấp cho Nhà nước hàng vạn mét mặt mây xuất khẩu, góp phần đem ngoại tệ về xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh. 

La Hà có nhiều di tích lịch sử – văn hóa với một loạt nhà thờ họ, miếu thờ các thiên thần và nhân thần. Trong đó nổi bật nhất là công trình Đình làng La Hà được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003.

Đình làng La Hà được xây dựng vào năm 1859 lúc đầu chỉ làm đơn giản bằng tranh tre. Đến năm 1904 xây dựng lại đình kiên cố và bề thế hơn. Đình làng La Hà nổi tiếng khắp vùng về quy mô cũng như kỹ thuật bài trí và chạm khắc. Đình có năm gian, trong đó có ba gian chính và hai hồi. Cột đình toàn gỗ lim, có cột cao tới 14 thước tây. Ba gian giữa là ba vì chỉnh từ xuyên, xà, kèo đều uốn lượn và chạm trổ công phu. Hai vài chái có hai bộ sập, mỗi bộ năm lá dài bằng chiều rộng của đình để dân làng hội họp. Gian giữa là nơi thờ tự uy nghiêm.

Từ ngoài nhìn vào, hai con hạc to lớn đứng trên hai con rùa chầu. Hai bên là hai hàng khí giới và bút lông tượng trưng cho quan văn và quan võ. Cổng đình là hai trụ biểu cao 10 m, bốn phía có ốp sứ hoa văn hoặc thủy tinh với nhiều màu sắc tạo thành những con rồng uốn lượn trong mây. Trên đỉnh cột là hai con nghê chầu hai bên. Đình làng La Hà là nơi thờ tự những vị thần tổ đã có công khai khẩn và lập nên làng, cũng là nơi lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu trong các dòng họ của làng. Mỗi lần có người thi cử đỗ đạt là dân làng lại tổ chức rước về đình mổ bò, mổ lợn ăn mừng. Do có nhiều người đỗ đạt, làng cho xây thêm khu văn miếu để thờ tự sáu vị tiến sĩ và phó bảng đã từng đỗ đạt qua các kỳ thi trong triều Nguyễn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình La Hà được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí lương thực, nơi tập hợp lực lượng dân quân du kích chống Pháp. Năm 1947 đến đầu năm 1950, giặc Pháp đã mở 5 đợt càn quét lớn lên làng La Hà. Đình được sử dụng làm trung tâm căn cứ chỉ huy đánh trả các trận càn của dân quân du kích. La Hà là một trong những làng chiến đấu nổi tiếng: “Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng”. La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy nhiều ca nô, diệt nhiều quân giặc, bảo vệ xóm làng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đình làng, hói Đình là nơi cất giấu đồng thời là nơi trú ẩn của tàu thuyền ca nô vận chuyển lương thực, thực phẩm lên các bến trung chuyển, Bến Mới, khương Hà, Bố Trạch để chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều lần làng, đình làng bị bom đạn giặc Mỹ cày xới nhưng dân làng, đình làng vẫn kiên trung cùng mảnh đất làng đảo, nhường cơm sẻ áo cứu thương binh, hàng hóa, nhiều người được tuyên dương; Đặc biệt Võ Xuân Khuể, người con dũng cảm lái ca nô ở bến phà Gianh của làng La Hà được tuyên dương Anh hùng.

Năm 1967, đình làng bị máy bay Mỹ đánh sập. Sau đó đình được tháo dỡ để làm trường học, làm hầm phục vụ cho cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chỉ còn lại đình Hậu.

Vào tháng 2/2016, đình được phục hồi, tôn tạo qua hơn 9 tháng thi công đến nay ngôi Đình làng đã hoàn thành. Kết cấu của ngôi đình bằng bê tông cốt thép kết hợp tường chịu lực cùng một số chi tiết trang trí bằng gỗ… Công trình với các phần Tiền đình và Hậu cung, là nơi thờ Thành Hoàng của làng.

Cứ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, những người con xã Quảng Văn dù ở đâu cũng tìm về quê hương để tham gia Lễ hội Đình làng La Hà với nhiều hoạt động sôi nổi. Lễ hội không chỉ là dịp để mọi người dân trong làng cùng mừng xuân, chào năm mới mà đối với mỗi người dân ở đây nó còn mang những ý nghĩa rất đặc biệt. Đây còn là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Hàng trăm năm qua, đình làng La Hà vẫn là nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi hội họp mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi con cháu trong làng thắp hương tế cáo mỗi dịp đỗ đạt, đi xa, mỗi dịp thành công trở về làng. Nét xưa đó vẫn tiếp tục được người làng trân trọng lưu giữ cho muôn đời sau.