Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy mừng quốc khánh 2/9

Nếu bạn có dịp du lịch Quảng Bình vào dịp “Tết Độc Lập” quốc khánh 2/9 thì hãy đến huyện Lệ Thủy để hòa mình vào không khí sôi nổi náo nhiệt của lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy trên sông Kiến Giang

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường niên nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xuất phát từ hội bơi, đua của làng, của tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.

Lễ hội được tổ chức vào dịp Quốc Khánh 2/9 hàng năm

Lễ hội này từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân Lệ Thủy trong ngày Quốc khánh. Tương truyền, trước đây, vào dịp hè hằng năm, sông Kiến Giang đều khô cạn nước bởi hạn hán, nhưng cứ đến tháng 8 là có mưa, nước sông dâng đầy; ruộng đồng cũng ngập nước, thuận lợi cho việc sản xuất đồng áng. Chim muông cá thú tràn đồng. Nước mưa lũ cũng cuốn quét sâu bọ, mang phù sa bồi đắp cho mùa vụ. Dân làng khắp nơi mới mở hội đua thuyền ăn mừng, cũng là mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai bơi gái đua và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa sản xuất bội thu.

Với mục đích khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1946, nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức “ăn Tết Độc lập” và “Lễ hội bơi, đua thuyền” với quy mô cấp huyện. Có thể nói, Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nói riêng và ngày Tết Độc lập 2-9 nói chung là một dịp đặc biệt trong năm của người dân quê lúa huyện Lệ Thủy, bên cạnh ngày Tết Nguyên đán.

Lễ hội trở thành nét văn hóa độc đáo của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đây là dịp để con em người dân xứ Lệ cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Và cũng là dịp để mỗi người dân Lệ Thủy cùng ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình ngày càng giàu đẹp. Trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại quả sản vật địa phương như: cam, bưởi, dâu để cúng ông bà tổ tiên…

Không khí vui tươi rộn ràng của lễ hội

Từ đó đến nay, cứ vào ngày 2/9 hằng năm, sông Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Không biết tự bao giờ, ở vùng quê lúa này xuất hiện câu ca mang âm hưởng phấn chấn tươi vui, tưng bừng lễ hội miền sông nước:

“Dù ai đi tây về đông

Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Để có được một chỗ đứng vừa xem được buông phao (tín hiệu xuất phát) và về đích, nhiều người xem tập trung về phố huyện từ tờ mờ sáng. Lễ khai mạc diễn ra với màn diễu hành trên sông của các đội thuyền bơi, đua tham gia thi đấu cùng với đội ngũ thuyền trang trí của các ngành, đơn vị trong huyện.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia cổ vũ

Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ, lấy ngã ba Mũi Viết (Thượng Phong) làm điểm buông phao xuất phát và về đích.

Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ

Niềm hứng khởi còn lan tỏa xuống tận từng thôn xóm dọc đôi bờ sông Kiến Giang nơi có đoàn đua đi qua với rợp trời cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cổ động đua thuyền; loa phát thanh tường thuật trực tiếp từng diễn biến của ngày lễ hội. Một không khí hân hoan vang dậy từ đầu nguồn đến cuối nguồn con sông Kiến Giang trong ngày Tết Độc lập.

Lễ hội là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây

Ngày 27.8.2019, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa -Thể Thao – Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định đưa lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.