Nét đẹp văn hóa truyền thống từ những làng nghề Quảng Bình
Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, những hang động kỳ bí mà còn được biết đến với những làng nghề truyền thống lâu đời. Mỗi làng nghề mang trong mình những nét độc đáo riêng, góp phần làm nên bức tranh đa dạng và phong phú của vùng đất này. Du lịch làng nghề Quảng Bình mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa thú vị, tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán của người dân địa phương và tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo.
Khám phá những làng nghề truyền thống ở Quảng Bình:
Làng nón lá Thổ Ngọa
Làng Thổ Ngọa (Nay là phường Quảng Thuận), thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Nơi đây sản sinh ra những chiếc nón lá thanh mảnh, duyên dáng, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, góp phần tạo nên thương hiệu “nón Ba Đồn” một thời nức tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề làm nón lá ở Thổ Ngọa không còn phát triển như xưa, số hộ làm nón cũng ít đi, nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng gìn giữ nét đẹp truyền thống của làng nghề. Du lịch Quảng Bình, đến với Thổ Ngọa bạn như được bước vào một không gian yên bình, đậm chất làng quê Việt Nam.
Điều thú vị khi đến thăm làng nón Thổ Ngọa là du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra một chiếc nón, từ khâu chọn lá, ủi lá, chằm nón… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm của người thợ. Đặc biệt, du khách còn có thể tự tay làm một chiếc nón cho riêng mình, tận hưởng cảm giác thú vị khi được hóa thân thành người nghệ nhân.
Làng bánh tráng Tân An
Nằm nép mình bên dòng sông Gianh hiền hòa, làng Tân An, xã Quảng Thanh, Quảng Trạch từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng truyền thống. Hương vị bánh tráng Tân An thơm ngon, đậm đà hương vị quê hương đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của vùng đất này.
Nghề làm bánh tráng không chỉ mang lại thu nhập cho người dân Tân An mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Du khách đến với Tân An không chỉ được thưởng thức những chiếc bánh tráng thơm ngon mà còn được tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh truyền thống công phu, trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân làng quê.
Làng nghề đan lát mây tre Thọ Đơn
Làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan lát mây tre tinh xảo. Trải qua 400 năm thăng trầm, những nghệ nhân tài hoa nơi đây vẫn miệt mài gìn giữ hồn quê, thổi hồn vào từng sợi mây, nan tre thô sơ để tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Dừng chân tham quan làng nghề đan lát Thọ Đơn, du khách được chiêm ngưỡng những tuyệt tác thủ công mỹ nghệ tinh tế, tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đang “biến hóa” những nguyên liệu giản dị thành những vật dụng hữu ích cho đời sống. Thú vị hơn cả là được tự tay trải nghiệm các công đoạn đan lát, cảm nhận sự tỉ mỉ, công phu ẩn chứa trong từng sản phẩm và mang về những món quà lưu niệm ý nghĩa cho người thân
Làng nghề làm muối Phú Lộc
Làng Phú Lộc; xã Quảng Phú; huyện Quảng Trạch nằm ngay dưới chân cầu Roòn; bên cạnh dòng sông Loan (còn gọi là sông Roòn) là làng nghề làm muối thủ công duy nhất còn tồn tại ở Quảng Bình, nơi lưu giữ những nét đẹp lao động cần cù, sáng tạo của diêm dân miền Trung.Điều làm nên nét độc đáo của muối Phú Lộc chính là nguồn nước được lấy từ cửa sông Loan, con sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Nhờ đó, muối Phú Lộc không chỉ mang hương vị đậm đà của biển cả mà còn chứa đựng nhiều khoáng chất quý giá, cho độ mặn vừa phải, thanh tao, không hề chát.
Mùa làm muối ở Phú Lộc bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Đây là thời điểm lý tưởng để du khách đến thăm làng, hòa mình vào không gian lao động nhộn nhịp, cảm nhận cái nắng gió mặn mòi của biển cả. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, những cánh đồng muối trải dài tít tắp, lấp lánh như dát bạc, tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Đến với Phú Lộc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồng muối, mà còn có cơ hội trải nghiệm quy trình làm muối thủ công độc đáo của người dân địa phương. Xắn quần lội ruộng, thử sức với các công đoạn như cào đất, be bờ, dẫn nước, thu hoạch… sẽ là những kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi du khách.
Làng nghề làm hương Thanh Trạch
Làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) quanh năm đượm hương trầm thơm dịu. Dù làm hương quanh năm, nhưng cứ mỗi độ xuân về, không khí nơi đây lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân tạm gác lại ruộng đồng, biển cả để tập trung cho “chính vụ” hương trầm, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống của làng nghề 300 năm tuổi.
Bước chân vào làng, hương thơm thanh khiết như dẫn lối du khách lạc vào cõi thiền tịnh. Từng que hương được làm thủ công tỉ mỉ, kết tinh từ những nguyên liệu thiên nhiên thuần túy, không chất độc hại, tạo nên mùi thơm đặc trưng, lan tỏa khắp không gian. Chính sự tinh tế và tâm huyết ấy đã làm nên thương hiệu hương trầm Thanh Trạch nức tiếng gần xa, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng.
Làng chiếu cói An Xá
Tọa lạc tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, làng An Xá là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là nơi sản sinh ra những chiếc chiếu cói nổi tiếng khắp cả nước. Chiếu cói An Xá được làm từ nguyên liệu tự nhiên, với quy trình sản xuất công phu, tỉ mỉ từ khâu chọn cói, phơi nắng, nhuộm màu, dệt chiếu,…
Từ những cánh đồng cói xanh mướt ven sông, người dân An Xá cần mẫn lựa chọn từng sợi cói chắc khỏe, phơi nắng óng ả rồi nhuộm màu tinh tế. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những sợi cói tưởng chừng đơn sơ ấy được dệt thành những chiếc chiếu bền đẹp, mát mẻ, mang trong mình tinh hoa dân tộc và tâm hồn của người dân Quảng Bình.
Du lịch Lệ Thủy vào làng An Xá, bạn không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng quy trình làm chiếu cói công phu, tỉ mỉ mà còn được hòa mình vào không gian làng quê yên bình, cảm nhận tình người ấm áp và hiểu thêm về giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống này.
Làng khoai deo Hải Ninh
Làng nghề khoai deo Hải Ninh nằm ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nổi tiếng với đặc sản khoai deo thơm ngon, dẻo ngọt. Khoai lang được trồng trên những vùng đất cát trắng, hấp thụ tinh hoa của nắng gió, tạo nên hương vị đặc trưng khác biệt. Ban đầu, khoai deo được làm để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, dần dần trở thành món quà quê giản dị mà đậm đà.
Ghé thăm làng nghề, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lao động nhộn nhịp, tận mắt chứng kiến quy trình làm khoai deo thủ công đầy tỉ mỉ. Từng công đoạn, từ khâu chọn khoai, rửa sạch, luộc chín, gọt vỏ, thái lát, rồi phơi dưới nắng vàng ươm, đều được người dân thực hiện bằng sự cần mẫn, khéo léo và kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ. Và còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức những miếng khoai deo dẻo thơm, ngọt bùi ngay tại lò, cảm nhận hương vị ngọt ngào tan dần trong miệng, để rồi vấn vương mãi không thôi.
Bảo tồn và phát triển làng nghề
Những làng nghề truyền thống Quảng Bình không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghiệp hiện đại, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và chính quyền địa phương.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
- Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng: Xây dựng các tour du lịch Quảng Bình làng nghề hấp dẫn, kết hợp tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm.
- Gắn kết với các loại hình du lịch khác: Các làng nghề truyền thống có thể kết hợp với các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn.
- Quảng bá, xúc tiến du lịch: Tăng cường quảng bá hình ảnh các làng nghề truyền thống trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các sự kiện, hội chợ giới thiệu sản phẩm.
- Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, am hiểu về văn hóa, lịch sử của các làng nghề.
- Huy động sự tham gia của cộng đồng: Khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề.
- Kết hợp bảo tồn với phát triển: Vừa phát triển du lịch, vừa chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan làng nghề và gìn giữ những nét đẹp truyền thống.
Du lịch làng nghề truyền thống ở Quảng Bình có tiềm năng phát triển lớn. Bằng việc áp dụng các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, Quảng Bình có thể biến những làng nghề truyền thống thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững và bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Lưu ý du lịch làng nghề Quảng Bình:
- Thời điểm du lịch: Để chuyến đi thêm phần thuận lợi, hãy tìm hiểu kỹ thời gian hoạt động của làng nghề bạn muốn ghé thăm. Một số làng nghề chỉ hoạt động theo mùa vụ, vì vậy hãy kiểm tra trước để không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm nhé!
- Ăn mặc lịch sự, kín đáo: Khi đến thăm làng nghề, du khách nên ăn mặc lịch sự, tránh mặc quần áo quá ngắn hoặc hở hang.
- Hỏi trước khi chụp ảnh: Nên xin phép người dân trước khi chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh chân dung.
- Hành xử văn minh: Không gây ồn ào, tránh làm phiền đến quá trình sản xuất của người dân.
- Chung tay phát triển: Nên mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề để ủng hộ người dân địa phương.
- Mua bán công bằng: Khi mua sản phẩm, du khách nên trả giá hợp lý, không nên ép giá quá đáng.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: Không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung trong làng nghề.
- Tôn trọng phong tục tập quán: Tìm hiểu và tôn trọng những phong tục tập quán của người dân địa phương.
Mỗi làng nghề là một câu chuyện kể về lịch sử, văn hóa và con người Quảng Bình, nơi du khách có thể trải nghiệm những giá trị truyền thống đích thực và mang về những kỷ niệm khó quên.