Nhà thờ Giáo Xứ Gia Hưng – Bố Trạch – Quảng Bình
Vùng đất Quảng Bình được biết đến với dòng sông Gianh như một vết cắt giữa lòng dân tộc, tạo nên hai vùng Đàng Trong và Đàng Ngoài suốt nhiều thế kỷ. Với ranh giới này, Công giáo ở Quảng Bình cũng từng bị chia đôi một thời gian dài thuộc về Giáo phận Vinh và Giáo phận Huế. Đến ngày 5/5/2005, Công giáo hai nửa Bắc và Nam của tỉnh này mới nhập lại để thuộc sự quản lý hành chính đạo của Giáo phận Vinh. Một trong những vùng Công giáo đông đảo tại Quảng Bình hiện nay là huyện Bố Trạch và không thể không nhắc đến giáo xứ Gia Hưng.
Giáo xứ Gia Hưng thành lập năm 1890, thuộc địa bàn xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình là một trong những vùng đất được đón nhận hạt giống đức tin sớm nhất, hiện có trên 5.000 giáo dân. Giáo xứ Gia Hưng hôm nay, nơi miền sơn cước của huyện Bố Trạch đã khoác lên mình một diện mạo mới.
Cơ sở thờ tự được xây dựng khang trang và kiên cố; tiêu biểu nhất là ngôi thánh đường được xây dựng mới, bên trong bằng gỗ và đá khánh thành vào đầu năm 2017. Nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng cho bà con nhân dân trong vùng và đồng bào có nhu cầu chính đáng về đức tin tôn giáo.
Nhà thờ giáo xứ Gia Hưng được tận dụng bộ khung cột kèo bằng gỗ lim từ nhà thờ cũ, nên vẫn giữ được nét cổ kính. Những biến tấu hài hòa các yếu tố không gian đã làm cho ngôi thánh đường mới có nhiều điểm nhấn đặc biệt, đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Công trình nhà thờ Gia Hưng trở thành điểm đến thú vị trong chuyến du lịch Quảng Bình không chỉ của khách trong mà còn cả khách nước ngoài.
Đời sống đạo của bà con có nhiều khởi sắc nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Cùng với lòng mộ đạo của bà con nơi đây, sự năng động của đội ngũ giới trẻ làm cho giáo xứ ngày phát triển có chiều sâu và có sức lan rộng.
Du lịch Quảng Bình, sau khi tham quan khám phá các hang động ở vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng bạn nên kết hợp thăm nhà thờ tuyệt đẹp này. Từ trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đến nhà thờ Gia Hưng chỉ khoảng 10km.
Đến đây bạn không chỉ được tham quan, chụp ảnh cùng nhà thờ mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình và tìm hiểu cuộc sống bình dị của người dân địa phương.
Nguồn/Ảnh: Sưu tầm