Phá Hạc Hải
Ở cuối nguồn sông Kiến Giang, nơi tiếp giáp hai huyện Quảng Ninh (xã Vạn Ninh, Gia Ninh) và Lệ Thủy (xã Hồng Thủy, Hoa Thủy) tỉnh Quảng Bình, hiện ra một đầm phá bao la ngoạn mục với nhiều loại thủy sản, đó là Phá Hạc Hải. Phá Hạc Hải cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 20 km bên cạnh Quốc lộ 1A.
Ai đã từng đi qua Vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh chắc đều đã từng nghe lưu truyền hai câu thành ngữ: “Đầu Mâu vi bút/ Hạc Hải vi nghiên” (núi Đầu Mâu làm bút, biển Hạc Hải làm nghiên mực). Ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh có một ngọn núi 3 chóp, hình như chiếc xà mâu, cao 783 thước tây, tục gọi là núi Đầu Mâu. Vào những buổi trời yên gió lặng, bóng núi Đầu Mâu trở nên tím thẫm, phá Hạc Hải lại xanh màu ngọc bích. Bóng núi bị những ráng chiều đẩy tới sát mép bờ phá, cao chót vót và dài nhọn hệt như ngòi bút lông. Lúc này, nghiên mực Hạc Hải không còn là tấm gương trong xanh màu ngọc bích mà một nửa phía Tây sát chân núi bị bóng núi tô đậm một màu đen giống như mực. Và bóng Đầu Mâu nghiêng mình xuống Hạc Hải tựa như một ngòi bút chấm vào nghiên mực vậy. “Hạc Hải vi nghiên” là vì lẽ đó.
Đầu Mâu – Hạc Hải đã tạo nên một vùng địa linh, nhân kiệt của Quảng Bình, sản sinh nhiều nhân tài của dân tộc như: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tiến sĩ Dương Văn An hay vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp…
Trong Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn đã mô tả phá Hạc Hải như sau:”Ở cách huyện Lệ Thủy 14 dặm về phía bắc, có tên là Thiển Hải, cũng gọi là Bình Hồ… trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về, gọi là Hạc Hải, phía đông bắc từng động cát chập chồng, phía tây bắc vạn núi chắn ngang, chỗ sâu chỗ cạn, có một đường lạch rất sâu, thuyền bè đi lại cần phải đề phòng sóng gió; hạ lưu hợp với sông Mỹ Hương rồi đổ ra biển”.
An Nam chí chép: “Thiển Hải ở huyện Nha Nghi, sóng biếc mênh mông, cây lau rậm rạp, chim nước nổi chìm, thuyền chài tụ tán có thể làm nơi du ngoạn của một phương”.
Phá Hạc Hải rộng cả ngàn héc ta, hơn 12 cây số vuông, nơi sâu nhất nhỉnh hơn 3m, giữa lòng của phá là nguồn nước lợ, với bao nhiêu tôm cá tốt tươi cùng sinh thủy. Bao nhiêu loài chim như vịt trời, bồng, le, cò, vạc, sếu, diệc, rồi chim di cư theo mùa nhiều vô kể, mùa nào thức nấy không thiếu thứ gì. Người làm nghề đánh bắt trên phá thì sống no đủ nhờ sản vật phong phú. Kẻ tay ngang chỉ mất vài chục phút cũng đủ cho một bữa cơm đầy cá tôm.
Từ khi có đập ngăn mặn Mỹ Trung phục vụ trồng lúa, phá bị “ngọt hóa”; phía thượng nguồn cũng bị ngăn hồ, đắp đập, nguồn lợi thủy sản không được bổ sung. Núi Đầu Mâu vẫn sừng sững giữa trời, nhưng phá Hạc Hải đang cạn dần, không còn là nghiên mực để chiếc bút Đầu Mâu vẽ lên trời xanh.
Phá Hạc Hải là một trong những địa chỉ được mời gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Quảng Bình năm 2018. Nếu dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái phá Hạc Hải được đầu tư đúng mức, một vùng đất đẹp về cảnh quan sẽ được “đánh thức” và mở ra biết bao cơ hội nghề nghiệp cho người dân thuần nông nơi vùng đất này.