Tìm hiểu về Lũy Đào Duy Từ (Lũy Thầy) – Quảng Bình

Trong lịch sử quân sự Việt Nam có một hệ thống thành lũy lợi hại, dân gian vẫn gọi là Lũy Thầy. Sở dĩ thành lũy trên vùng đất Quảng Bình có tên Lũy Thầy là do chúa Nguyễn và nhân dân xưng tụng để tỏ lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với Đào Duy Từ, một nhà chiến lược thiên tài giúp chúa Nguyễn và cũng là tổng công trình sư tạo ra ở nơi đây.

Chúa Nguyễn trong công cuộc mở nước xuống cõi Nam vẫn phải tập trung quân lực để chống trả những đợt tấn công và tranh giành ảnh hưởng với họ Trịnh ở bắc sông Gianh. Từ những ngày đầu của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, có thời điểm quân Trịnh đã dốc sức tiến sâu vào đến sông Nhật Lệ (cách sông Gianh khoảng 50 km dọc bờ biển) gây ra mối lo ngại thường trực cho triều đình chúa Nguyễn. Nếu để tình thế ấy kéo dài, Đàng Trong sẽ phải quy phục Đàng Ngoài một sớm một chiều. Nhằm bảo vệ cơ đồ, chúa Nguyễn đã giao cho Đào Duy Từ tiếp quản xây dựng hệ thống thành lũy bề thế và hữu ích.

Năm Tân Hợi (1631), Tổng công trình sư Đào Duy Từ đã chính thức cho người khởi công đào đắp hệ thống Lũy Thầy và hoàn thành sau 3 năm, bắt đầu từ núi Đầu Mâu (nay ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) và kết thúc ở cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới). Lũy Thầy có tổng chiều dài khoảng 34 km, chiều cao thành lũy thường 12 mét, có đoạn chỉ 3 – 6 mét tùy theo địa hình và dụng ý sử dụng. Bề mặt đỉnh lũy luôn rộng rãi, người hay cả voi, ngựa có thể dễ dàng đi lại trên đó. Cứ mỗi đoạn 40 thước lại xây một pháo đài, đặt súng Thần công án ngự.

Bản đồ vị trí của hai lũy Động Hải và Trường Dục do Léopold-Michel Cadière nghiên cứu và vẽ năm 1906

Mặc dù Lũy Thầy được đắp bằng đất, nhưng là một công trình phòng thủ khá bề thế, kết hợp với con hào tự nhiên là con sông Gianh, vì thế nơi đây trở thành một phòng tuyến quân sự lợi hại. Chính cái vị trí đắc địa của phòng tuyến kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo này đã phát huy tác dụng triệt để. Mảnh đất phía Bắc Quảng Bình hẹp, một bên dựa vào dãy Trường Sơn hiểm trở, một bên là Biển Đông, chỉ còn một lối tiến công là dải đồng bằng. Vì thế phòng tuyến giăng ngang giữa hai đầu núi biển đã như một cánh cửa đóng chặt con đường vào Nam giống như cái thế đất eo “cổ chai”, gần như bịt kín các lối ra vào và hoàn toàn khống chế các mũi tấn công khi có chiến sự xảy ra. Công trình bề thế và hùng vĩ này đã góp phần bảo vệ an toàn dinh trấn của chúa Nguyễn trước thù trong giặc ngoài thời kỳ đang đóng ở Quảng Trị, và khi đã dời vào Huế (từ năm 1774 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát). Cũng từ đây, đã có câu ca:

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

Thanh Hà ở đây chính là cửa sông Gianh (trước gọi là Linh Giang) ranh giới đàng Trong-đàng Ngoài nhiều năm, trước khi giang sơn thu về một mối ở thời Tây Sơn và thời Nguyễn.

Hệ thống lũy Thầy trên bản đồ ngày nay

Khi Đào Duy Từ qua đời, chúa Nguyễn truy tặng ông là Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Lộc Khê Hầu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1841), Lũy Thầy được sắc phong làm “Định Bắc Trường Thành” và Đào Duy Từ được truy phong làm Khai Quốc Công Thần.

Lũy Thầy là môt hệ thống chiến lũy liên hoàn đắp bằng đất và được chia thành những lũy nhỏ có thể kể ra như sau:

Lũy Trường Dục dài 2.500 trượng, tức khoảng 10km, chạy từ chân núi Thần Đinh dọc theo hữu ngạn sông Rào Đá (Long Đại) đến ngã ba sông Nhật Lệ, men theo bờ Nam qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá đến vùng động cát của phá Hạc Hải. Lũy Trường Dục được đắp bằng đất sét cao 3m, chân lũy rộng 6m. Bên trong lũy có doanh trại, công sự, kho lương thực. Luỹ được xây dựng theo kiến trúc chữ Hồi, có tác dụng ngăn chặn quân Trịnh đánh phá phía Đàng Trong.

Sau đó, một lũy khác được đắp bổ sung ở vùng Động Hải (Quảng Bình), được gọi là lũy Đầu Mâu, cách lũy Trường Dục gần 20km về phía Bắc. Lũy này được đắp cao khoảng 6m, cao gấp đôi lũy Trường Dục; phía ngoài lũy đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp, voi và ngựa có thể đi trên thành lũy. Trên lũy cứ cách 12m đến 20m lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách 4m đặt 1 súng phóng đá. Chiều dài của lũy khoảng 12km từ động Ông Hồi dưới chân núi Đầu Mâu chạy men bờ Nam sông Lệ Kỳ đến cầu Dài ở phía Nam Đồng Hới.

Tấm bia dấu tích Lũy Đầu Mâu

Tiếp theo, lũy Trấn Ninh cũng được xây dựng. Lũy này tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ Cầu Dài, vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ được gọi là lũy Động Hải (Đồng Hới) hay Trấn Ninh. Kiến trúc của lũy đã lợi dụng địa thế các bãi lầy và kinh rạch để ngăn các cuộc tấn công của đối phương rất hiệu quả.

Võ Thắng Quan là cửa quan của lũy Đầu Mâu ( Cổng Thượng)

Trên chiều dài khoảng 17km từ Đầu Mâu đến Nhật Lệ lũy Động Hải còn lại 3 cửa, trong đó có cửa vào dinh Quảng Bình, còn gọi là Quảng Bình Quan nay vẫn đứng sừng sững bên đường Quốc lộ 1A, vốn xưa là con đường Thiên Lý xuyên Việt, như chứng nhân của lịch sử Quảng Bình suốt hàng trăm năm.

Quảng Bình Quan (cổng hạ Lũy Thầy)

Lịch sử đã ghi lại hệ thống Lũy Thầy là một tuyến phòng thủ kiên cố. Năm 1633, Trịnh Tráng khởi binh đánh chúa Nguyễn đã phải dừng bước ở cửa sông Nhật Lệ, bị quân Nguyễn phục kích đánh úp, quân tướng hoang mang rệu rã phải lui về bờ Bắc sông Gianh. Năm 1634, chúa Nguyễn lại cho đắp thêm lũy Trường Sa, dài 7km chạy từ Sa Động đến Huân Cát, hữu ngạn sông Nhật Lệ. Năm 1648, quân Trịnh tấn công lũy Trường Dục nhưng không phá được đoạn thành này, lại bị đẩy lui xuống vùng đầm lầy Võ Xá và bị sa lầy tại đấy nên phải rút quân về Bắc, để lại 3 tướng và 3.000 quân bị bắt làm tù binh.

Trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn vào năm 1672 đã chứng tỏ sự lợi hại của hệ thống thành lũy. Quân Trịnh liên tục tấn công mặt lũy Trấn Ninh nhưng không hạ được thành, phải rút lui, chấm dứt cuộc chiến gần 50 năm và mở ra hơn một thế kỷ hòa hoãn.

Có thể nói, góc độ quân sự, hệ thống Lũy Thầy đã phát huy sức mạnh tối đa. Với nhiều lớp thành đất phòng thủ liên hoàn, tổng cộng 34km kết hợp với địa thế thiên nhiên đã đứng vững qua 7 cuộc tấn công của quân chúa Trịnh. Có lẽ trong lịch sử cổ đại nước ta, Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy đơn giản, dễ thi công, nhưng lại phát huy tốt nhất chức năng phòng thủ. Đội quân của chúa Trịnh với nhiều binh hùng tướng mạnh cũng đã phải dừng bước trước hệ thống Lũy Thầy lợi hại.

Hiện nay, trên đất Quảng Bình, luỹ Đào Duy Từ không còn nguyên vẹn như dáng vẻ ngày xưa, thậm chí có nhiều đoạn đã bị mất hoàn toàn do thời gian bào mòn và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên dấu ấn uy lực và vang dội của Lũy Thầy trong quá khứ vẫn còn: cổng Hạ (Quảng Bình Quan), cổng Thượng (Võ Thắng Quan). Đến thời Nguyễn, giang sơn đã thống nhất, hệ thống Lũy Thầy đã không còn tác dụng. Mảnh đất xưa của lũy Trấn Ninh được xây thành Đồng Hới vào năm 1812 cũng là thành đất. Sau đó, dưới thời Minh Mạng, thành Đồng Hới mới được quy hoạch lại và xây bằng gạch theo kiến trúc Vô băng, thành có hình múi khế, nay vẫn còn nhiều đoạn rêu phong. Đặc biệt dấu vết lũy Đầu Mâu hầu như phát lộ rất rõ nét tại làng Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh), khu vực giáp giới với xã Nghĩa Ninh (T.P Đồng Hới) và đoạn luỹ sát cửa sông Nhật Lệ hiện còn vết tích là một gò cao, đứng sừng sững hướng ra biển Đông, tượng trưng cho niềm kiêu hãnh thuở nào của chúa Nguyễn. Dưới chân có tấm bia khắc: “Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến”. 

Dâu tích xưa – Phòng Tuyến Nhật Lệ

Nếu có dịp du lịch Quảng Bình, dạo bước giữa phố phường của thành phố Đồng Hới ngày nay, du khách không khỏi bâng khuâng khi tìm dấu tích xưa của Lũy Thầy quanh cửa sông Nhật Lệ. Đây đó vẫn còn một vài gò đất cao hay đoạn thành thấp ở phường Phú Hải hay tấm bia đá ven đường còn ghi sự tích Lũy Thầy. Qua đó phần nào hình dung được về một công trình kiến trúc quân sự, một tuyến phòng thủ có quy mô lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến nước ta. Nó cũng thể hiện được một tài năng quân sự, một tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ và còn là di sản văn hóa vật thể chứng minh cho sự sáng tạo trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Trên đỉnh người dân lập bàn thờ Đào Duy Từ

Cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn đã lùi xa hơn ba thế kỷ, luỹ Đào Duy Từ cũng có nhiều đoạn hiện mất dấu xưa, nhưng những ảnh hưởng, những vết tích văn hóa của thời kỳ đó vẫn đang còn tồn tại trên đất Quảng Bình. Điều đó được thể hiện qua một số 1ễ hội hiện có tại đây như: Lễ hội cướp cù ở làng Trấn Ninh (nay là phường Đồng Phú) vốn là một môn thể thao trong quân lính nhà Nguyễn thời bấy giờ; hay lễ hội bơi trãi hiện nay của cư dân năm làng quanh Đồng Hới cũng vậy, nó vốn có nguồn gốc từ các đội thuỷ quân nhà Nguyễn xưa kia.