Di tích lịch sử Bến phà Xuân Sơn

Bến phà Xuân Sơn nằm sát bên Sông Son thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch được xây dựng cuối năm 1965, là một trong những di tích quan trọng chi viện từ đường 15 và đường 12 về cùng vượt khẩu đường 20 Quyết Thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đài tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn Phong Nha

Bến phà Xuân Sơn từng là nơi, là cách để đi qua sông Son, lúc đầu chỉ là một bến đò ngang cho người dân qua lại sông. Khi đường 20 Quyết Thắng thông xe, phà Xuân Sơn chính thức ra đời.

Điểm nối bờ Nam Bắc ở Bến phà Xuân Sơn trên Sông Son ở Phong Nha

Bến phà Xuân Sơn một trong những bến phà huyết mạch vận tải tiếp tế trên tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, một di tích tiêu biểu thuộc hệ thống di tích đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình.

Bia thông tin bên trong đài tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn

Chiếc phà kéo tay 18 tấn đã thông tuyến Phong Nha ~ Xuân Sơn nhằm chi viện vũ khí, lương thực kịp thời cho lực lượng chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Đồng thời, phà B ra đời còn gọi là phà Nguyễn Văn Trỗi, cách bến phà Xuân Sơn 4km về phía thượng lưu sông Son và 800m từ cửa động Phong Nha. Quân địch tìm thấy điểm huyết mạch này nên cho máy bay ném bom dữ dội vào bờ Nam và bờ Bắc của bến phà Xuân Sơn.

Đôi bờ Sông Son nơi có Bến phà Xuân Sơn thông tuyến huyến mạch

Bộ đội ta đã khéo léo chọn Động Phong Nha làm nơi cất giấu cầu, ca nô, vũ khí, lương thực. Với khẩu hiệu lấy động nước làm nhà, bến phà là chiến trường, ngày qua ngày những chuyến phà, những chiếc thuyền và những con người anh dũng vẫn làm nhiệm vụ vận chuyển vật tư tiếp tế đôi bờ.

Đài tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn nhìn từ trên cao tuyệt đẹp

Năm 1966, chiến tranh ngày càng leo thang khốc liệt, và khả năng hỗ trợ chiến trường tiếp tục tăng lên. Bộ chỉ huy Trường Sơn quyết định dựng cầu phao tại bến Xuân Sơn. Trong hai đêm đầu sau khi cầu hoàn thành đã có 3.200 lượt phương tiện vượt sông thành công, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Sau đài tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn nhìn về bến thuyền Phong Nha mới

Ngay sau đó địch điên cuồng bắn phá Xuân Sơn dữ dội, chúng cho máy bay trinh sát L19 và C130 chụp ảnh ngày đêm, thả pháo hiệu sáng để quan sát dọc sông Son, tìm kiếm mục tiêu phá hủy.

Bấy giờ Phong Nha – Xuân Sơn được ví như túi bom của không quân Mỹ. Nhiều loại ngư lôi, bom từ trường… chúng thả xuống dày đặc trên con Sông Son hiền hòa,  từ bến phà Xuân Sơn đến cửa hang động Phong Nha chưa đầy 5 km nhưng có đợt chúng đã thả tới 80 quả bom cùng lúc, hai bên bến phà hố bom dày đặc.

Bến phà Xuân Sơn nhìn từ về hướng đông bắc bên dưới là phòng vé Động Phong Nha

Bến phà Xuân Sơn bình yên bên dòng sông Son thơ mộng với dòng nước xanh biếc mỗi mùa hè. Có lẽ ít ai có thể hình dung trước đây nơi này đã phải hứng chịu biết bao làn bom đạn khốc liệt nhằm ngăn chặn con đường tiếp vận từ Bắc vào Nam.

Con đường mòn Hồ Chí Minh xưa đi sát bên Sông Son

Tại khúc sông và bến phà này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Ngày nay Bến phà Xuân Sơn là một nhân chứng quan trọng về lịch sử trong cuộc chiến ác liệt. Đứng bên bờ Bắc phóng tầm mắt về bờ Nam con sông Son bạn sẽ thấy một bến phà cũ, tuy cây cối rậm rạp nhưng vẫn còn rõ dòng chữ khắc trên vách đá “Bến phà Nguyễn Văn Trỗi”. Và đây chính là Bến B của phà Xuân Sơn, nơi này được mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cũng là nơi đã in dấu giày của hàng vạn chiến sĩ ra Bắc vào Nam.

Nhà bia tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn mới xây dựng

Chạy dọc theo dòng sông Son còn lưu lại con đường huyền thoại ven núi. Đó là đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. Ngày nay, bến phà phục vụ cho du lịch vào động Phong Nha, và hai bên sông còn có bia di tích cũ và một nhà tưởng niệm mới được xây dựng sau chiến tranh. Bến phà Xuân Sơn và dòng sông Son rất thơ mộng là một điểm đến đáng thăm quan khi đến Quảng Bình.

Mốc bia tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn bên ngoài đường Hồ Chí Minh

Hiện nay, trên sông Son đã có cầu Xuân Sơn thay thế bến phà Xuân Sơn lịch sử nhưng huyền thoại về chiến công và sức mạnh quân dân ta trên bến phà Xuân Sơn sẽ trường tồn mãi mãi. Cũng vì lý do này, bến phà Xuân Sơn đã được xếp vào danh sách di tích lịch sử quốc gia.