Đình Kim Bảng và Hang Lèn Cây Quýt – Minh Hóa – Quảng Bình

Xã miền núi Minh Hóa, Quảng Bình không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đặc biệt trên mảnh đất này lưu giữ những địa danh văn hóa, lịch sử rất có giá trị trong đó không thể không nhắc đến di tích Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt.

Đình Kim Bảng và Hang Lèn Cây Quýt

Di tích lịch sử cách mạng đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt thuộc thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa). Nơi đây gắn liền với những sự kiện lịch sử sôi động hào hùng của tỉnh Quảng Bình và của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, nơi đây diễn ra sự kiện Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II vào ngày 19/5/1949.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Minh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Bình. Đình Kim Bảng là ngôi đình không rộng lắm nhưng nằm ở vị trí thuận lợi giữa một vùng đất khá rộng và bằng phẳng. Từ Kim Bảng, theo các con đường bí mật xuyên rừng có thể tỏa về các ngả, vì vậy, các đại biểu có thể đến dự đại hội mà vẫn được bảo đảm bí mật, an toàn. Cạnh đình Kim Bảng còn có các hang lèn như hang Quýt, hang Diêm rộng và sâu, có thể tổ chức cho vài trăm người hội họp phòng khi bất trắc.

Đình Kim Bảng

Với điều kiện đó, Huyện ủy Tuyên Hóa đã bố trí lấy lèn đá phía ngoài hang Diêm làm nơi đặt vọng gác bảo vệ vòng ngoài, đồng thời bố trí lực lượng dân quân du kích canh gác suốt ngày đêm trong thời gian diễn ra đại hội. Còn hang Quýt được chọn làm nơi trú ẩn hoặc có thể làm nơi tổ chức đại hội khi có sự cố xảy ra.

Nhân dân ở đây giàu truyền thống cách mạng, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ…Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 4 ngôi nhà dã chiến bằng gỗ, tranh, tre, nứa,…đã được dựng lên quanh đình Kim Bảng để phục vụ cho đại hội. Đồng bào Minh Hóa không chỉ góp công mà còn dốc hết của từ trâu bò, lợn, gà đến ngô, sắn, rau quả…ủng hộ cho đại hội. Hàng chục cán bộ, du kích và nhân dân được cử đến phục vụ đại hội trong suốt 12 ngày (đại hội diễn ra trong 9 ngày và 3 ngày cho công tác chuẩn bị).

Quanh khu vực đình Kim Bảng, 8 vọng gác được đặt trên điểm cao và cắt cử người canh giữ nghiêm ngặt. Nhờ đó, đại hội đã được bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối, thậm chí đến 7 ngày sau khi đại hội bế mạc thì thực dân Pháp mới biết được, chúng điên cuồng cho máy bay đến thả bom, đốt cháy đình.

Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử Quảng Bình. Nghị quyết do Đại hội thông qua đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi khách quan của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Bình. Đưa phong trào kháng chiến chuyển sang bước ngoặc lịch sử mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không những với nhân dân trong tỉnh mà còn có ảnh hưởng tích cực đối với phong trào kháng chiến của cả nước.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình, nhưng tinh thần “Quảng Bình quật khởi” từ đình Kim Bảng, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 đã trở thành truyền thống, động lực, hành trang để Quảng Bình vượt qua khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương và hội nhập quốc tế.

Di tích lịch sử cách mạng đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1088/QĐ-UBTTDL ngày 9-7-1999 của UBND tỉnh Quảng Bình. Đình Kim Bảng, hang lèn Cây Quýt với “Quảng Bình quật khởi”, ngày 15-7, đã trở thành ngày truyền thống lịch sử của Quảng Bình, trở thành phong trào thi đua vượt qua thử thách trong suốt chặng đường kháng chiến của nhân dân ta.

Đình Kim Bảng được tiến hành xây dựng vào 1924 và hoàn thành vào năm 1925. Đình được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, nền đất, đình gồm có đình Tiền và đình Hậu. Trong thời kỳ chống Pháp đình bị máy bay Pháp bắn cháy, sau đó đình được sửa lại làm trường học và nhà kho quốc phòng. Năm 1966, đình lại bị máy bay Mỹ ném bom Napan cháy toàn bộ. Hiện nay, đình được tỉnh cấp kinh phí khôi phục lại đình trên nền đất cũ của đình làng. Năm 2004, đình được phục hồi và tu bổ, tôn tạo, trở thành một điểm đến ý nghĩa cho du khách và nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ.

Năm 2004, đình được phục hồi và tu bổ

Cùng với đình Kim Bảng, hang lèn Cây Quýt là một trong những điểm dừng chân thú vị trong hành trình du lịch Quảng Bình, gợi nhiều giá trị lịch sử. Ngày nay, để thuận lợi cho việc lên xuống, đi vào đi ra hang lèn này, người ta đã xếp đá thành bậc cấp tạo lối đi lên hang.

Hang lèn Cây Quýt nằm cách đình Kim Bảng khoảng 500m; có chiều cao trung bình khoảng 3m; rộng 15,5m; chiều sâu của hang 22m; cửa hang rộng 10m.

Hang lèn Cây Quýt

Hang lèn Cây Quýt được sử dụng trong những ngày diễn ra Đại hội II tháng 5 năm 1949. Cũng tại hang lèn Cây Quýt tháng 9 năm 1964 đã diễn ra Hội nghị quân chính của sư đoàn 325A an dưỡng để ổn định tổ chức chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Năm 1968, huyện tổ chức mừng công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của Mỹ trên miền Bắc; Hang lèn Cây Quýt cũng là nơi cất giấu 400 tấn lương thực trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Đặc biệt, hang lèn Cây Quýt vừa là di tích khảo cổ được M.cô-la-ni một nhà khảo cổ học người Pháp thuộc trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội trước đây khai quật và nghiên cứu. Kết quả khai quật và phát hiện ra một số hiện vật mũi nhọn, đục vũm bằng xương và sừng hươu, nai, võ sò; những công cụ làm bằng đá đẽo thô sơ không có dấu mài lưỡi, hai công cụ bằng đá có dấu mài hai vệt, những hòn đá sa thạch có dấu khoét vũm, những hòn cuội khác có khắc cành lá hoa thảo, những cục quặng sắt hetmatite, những mãnh sắt trong đống vỏ sò và những công cụ bằng sắt.

Phong cảnh thanh bình tại làng Kim Bảng

Nay, những địa danh gắn với những trang huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Minh Hóa đã thành những địa chỉ đỏ, nơi lưu dấu đầy ý nghĩa về các giá trị văn hóa, lịch sử trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đến thăm vùng đất Minh Hóa, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ, tận hưởng không khí trong lành và trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân địa phương.