Về Lệ Thủy thăm Đền thờ Dương Văn An

Lệ Thủy là huyện ở phía nam của tỉnh Quảng Bình giàu bản sắc văn hóa truyền thống sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di tích lịch sử như Suối nước nóng Bang, Bàu Sen, chùa Hoằng Phúc, nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp…. Vùng đất Lệ Thủy còn được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh với những đồng lúa trĩu vàng, thắng cánh cò bay. Không chỉ có thế mà nơi đây còn là nơi chiến tuyến giao tranh đầy lửa đạn khốc liệt thời chiến, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, trong đó phải kể đến danh nhân văn hóa Dương Văn An. Hiện, đền thờ Dương Văn An tọa lạc ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) và đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

Đền thờ Dương Văn An

Tiến sĩ Dương Văn An sinh năm 1514 tại làng Tuy Lộc, bây giờ thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm mất của ông đến nay vẫn chưa rõ. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1547 dưới thời Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên là một trong những người đỗ Tiến sĩ sớm của mảnh đất này. Ông làm quan chức Lại Khoa đô Cấp sự Trung, rồi vinh thăng Tả Thị Lang Bộ Lại, tước Sùng Nham Bá, sau này được thăng đến chức Thượng thư.

Tiến sĩ Dương Văn An đã có công nhuận sắc, biên soạn lại cuốn sách “Ô Châu cận lục”, một công trình ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, những sản vật, những con chim con thú, những thành thị, chợ búa, nhà trạm đồn binh, danh lam thắng tích, những ngành nghề, tập quán sinh sống và danh nhân… vùng đất Thuận Quảng từ thế kỷ XVI trở về trước.  Ngày nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa đã dựa vào nội dung cuốn sách này để tra cứu các phong tục tập quán nhằm tái hiện diện mạo lịch sử và một số lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời, đặc sắc của vùng đất Thuận Quảng.

Sau khi được khắc in, công trình “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã được lưu truyền, trở thành nguồn tài liệu quan trọng trong chính sử và các công trình biên khảo của đời sau.

Đền thờ Dương Văn An là di tích lưu niệm danh nhân tiêu biểu ở Quảng Bình đang được dòng họ Dương và người dân thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy bảo vệ, giữ gìn. Không có tư liệu ghi lại thời gian xây dựng nhưng theo các cụ cao niên trong dòng họ thì miếu đã có từ rất lâu đời. Trong những năm Pháp thuộc, người dân trong làng thường đến đây dâng hương, hội họp, bàn bạc tin tức để truyền tin đi các vùng lân cận. Đến năm 1952, giặc Pháp hoạt động ráo riết trên đất Lệ Thủy, chúng lùng sục để bắt cán bộ, du kích. Trong một cuộc càn vào làng Tuy Lộc, chúng đã phá hoại miếu, nhằm làm cho cán bộ, chiến sỹ, du kích không còn chỗ ẩn náu, hội họp, đưa tin. Năm 2003, miếu đã được xây dựng lại trên nền miếu cũ.

Với những giá trị sâu sắc về phương diện lịch sử, văn hóa đó mà năm 2006, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận miếu thờ Dương Văn An là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2006 được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh

Ngày nay, miếu thờ không chỉ có giá trị trong việc nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của danh nhân văn hóa tiêu biểu Dương Văn An mà nó còn có giá trị to lớn về mặt văn hóa, giáo dục. Trở thành “địa chỉ đỏ” để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Bình.

Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục ở các địa phương thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại di tích, tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích cũng như về thân thế, sự nghiệp của Dương Văn An.