Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè tại tỉnh Tiền Giang là nơi ghe tàu đến để trao đổi mua bán. Ngày nay, địa danh này vẫn giữ được nét đẹp sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Hãy cùng chúng tôi khám phá chợ nổi, vì sao nó lại là điểm đến được nhiều khách du lịch quốc tế yêu thích và lựa chọn khi đến với dải đất hình chữ S trên bản đồ thế giới.

Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang nhìn từ trên cao hướng Nhà Thờ Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè là nơi tiếp giáp của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long. Đồng thời khu chợ nổi này còn là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, cùng với chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy tạo thành bộ ba hấp dẫn khách du lịch khắp nơi trên thế giới đổ về tham quan và khám phá.

Để đến với chợ nổi Cái Bè, bạn có thể xuất phát từ Sài Gòn, chạy theo tuyến quốc lộ 1A khoảng 80 km, khi đi qua địa phận Cái Bè thì bạn chỉ cần hỏi người dân ở xung quanh đó là họ sẽ chỉ cho bạn đường vào chợ. Đó là trường hợp bạn đi phượt ít người.

Một chiếc ghe của bà con đi bán hoa ở Chợ Nổi Cái Bè Tiền Giang

Còn nếu bạn đi theo nhóm đông thì nên đến bến tàu Cái Bè, thuê luôn một chiếc thuyền lớn. Chi phí tính cả hai lượt đi và về chỉ tầm 500.000 – 800.000 VNĐ. Thuyền có khoảng 10 – 20 chỗ ngồi. Còn muốn tiết kiệm chi phí thì có thể xuất phát từ bến phà cồn Tân Phong, thuê chiếc xuồng ba lá đúng chất miền Tây với mức giá tầm 150.000 – 200.000 cho 3 – 5 người.

Nếu bạn có ý định đến với chợ nổi Cái Bè thì không nên chọn các ngày lễ hay gần Tết vì thời điểm này có rất nhiều khách du lịch đến đây tham quan và nghỉ dưỡng. Chi phí tàu thuyền, ăn uống, chỗ ở điều tăng giá.

Đó là chưa kể nhiều khi còn không có chỗ để ở, không thuê được thuyền luôn ấy. Vậy nên nếu bạn đến chợ nổi Cái Bè trong các ngày này thì nên điện thoại đặt vé đi thuyền, đặt chỗ ở trước. Dĩ nhiên, đừng quên hỏi và thống nhất giá cả rõ ràng, tránh bị chặt chém mà không hề hay biết.

Hiện nay, có khá nhiều công ty du lịch tổ chức đi theo tour theo du thuyền, bao gồm tham quan chợ nổi, các làng nghề truyền thống, vườn trái cây và ca hát đàn ca tài tử.

Chợ nổi Cái Bè có điểm độc đáo ở chỗ là nó buôn bán cả ngày lẫn đêm, là trạm trung chuyển trái cây và sản vật đi khắp mọi miền tổ quốc vậy nên bạn sẽ khá ngạc nhiên về mức giá cực rẻ ở nơi đây.

Điểm chung của các khu chợ nổi Cái Bè là “sào nào, rau củ – trái ấy”, tức là ghe thuyền nào buôn bán loại trái cây hoặc nông sản nào đó thì treo trên sào để cho người mua dễ phân biệt để đến mua, người bán không cần rao hàng hóa.

Hàng hóa ở chợ nổi Cái Bè thì không cần phải nói gì thêm, rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là trái cây. Có thể nói, khu chợ này có lượng trái cây nhiều nhất ở Tiền Giang vì tại đây có không ít miệt vườn gần cù lao Tân Phong đem ra đây để buôn bán. Các ghe thuyền từ Sài Gòn, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ,… đều đến chợ nổi Cái Bè mua hàng.

Thời điểm tuyệt nhất để tham quan chợ nổi Cái Bè là bình minh và hoàng hôn. Đây cũng là khoảng thời gian đông đúc và náo nhiệt nhất ở chợ nổi. Nếu thích không khí mua bán náo nhiệt, ghe xuồng tấp nập, xem hết các hình thức mua bán dưới nước thì bạn nên đi từ sáng sớm hoặc đến lúc chiều tà.

Buổi sáng là lúc chợ nổi Cái Bè náo nhiệt và vội vã nhất, người mua, người bán í ới gọi nhau, rộn ràng vô cùng. Chợ tan lúc 8h, hoạt động thưa thớt dần, mặt sông ít tàu xuồng hơn, không khí dường như trầm tĩnh và dịu lại.

Nếu bạn thích không khí bình yên, tĩnh lặng thì nên đến chợ nổi Cái Bè vào lúc buổi chiều. Bức tranh sinh hoạt của những con người cần lao trên ghe thuyền như một nét đẹp, văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.

Buổi chiều bạn nên đến chợ nổi Cái Bè vào lúc 16h, trời bớt nắng, gió thổi, không khí mát mẻ hơn. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, mặt nước như được tô điểm thêm lớp màu đỏ hào nhoáng đem đến cảm giác thơ mộng, buồn bã, đìu hiu. Đây cũng là khoảng thời gian lung linh và huyền ảo nhất của chợ nổi Cái Bè.

Ngày nay, nhu cầu cuộc sống đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, chợ nổi không chỉ buôn bán trái cây mà còn bán các loại nông phẩm khác, có không ít tàu ghe bán đồ ăn ngay trên thuyền.

Một số xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ hay người tham quan du lịch.

Các món ăn quen thuộc như bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò, cà phê, trà đà… thơm phức như lời mời gọi ngọt ngào đến với khách hàng. Du khách đến với chợ nổi Cái Bè sẽ có cơ hội trải nghiệm phút giây thư giãn thoải mái giữa bốn về sông nước mênh mông.

Tết Đoạn Ngọ, chợ nổi Cái Bè càng thêm rộn ràng và náo nhiệt. Lễ hội tắm cồn hay còn gọi là tắm bùn đã làm nên nét riêng của khu chợ đặc biệt này.