Tác động tích cực của con người tới Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có một tiềm năng du lịch to lớn. Đây là nơi duy nhất được 2 lần công nhận là di sản thế giới, là nơi thu hút nhiều khách du lịch và là điểm lí tưởng của khách du lịch. Hoạt động du lịch tạo ra những cơ hội và triển vọng thu hút các dự án nghiên cứu, đầu tư hỗ trợ bảo tồn vườn quốc gia mặt khác cũng đã tạo ra việc làm cho người dân và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Cùng với Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, tuyến du lịch độc đáo “Con đường Di sản Miền Trung” hình thành và lan rộng, tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch

Vườn quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn là nơi đã từng tồn tại và đang hiện diện cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, văn hoá Chămpa và Việt cổ, di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX tại núi Ma Rai và những địa danh nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh như bến phà Xuân Sơn, bến phà Nguyễn văn Trỗi, đường 20 Quyết Thắng đã đi vào huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách và sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Thêm nữa, trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng sinh sống chủ yếu là người Chứt, một số ít người Việt và Bru-Vân Kiều. Dân tộc Chứt ở Quảng Bình bao gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng, có khoảng 3.500 người phân bố chủ yếu ở các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá và một số ít ở Bố Trạch.

Trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, người Chứt có mặt ở hai huyện Minh Hoá và Bố Trạch gồm hầu hết các tộc người, trừ Mã liềng, với khoảng 2.450 người. Người Chứt ( được gọi là Chứt Poong) và ngôn ngữ của họ với đoán định được tách ra từ khối tiếng Việt- Mường đầu tiên vào khoảng thế kỷ V-VI. Danh xưng “Chứt” có nghĩa là “Rèm Đá”, “Núi Đá”.

Người Chứt ở Phong Nha-Kẻ Bàng dù là dân cư nông nghiệp, nhưng trước đây họ chủ yếu săn bắt, hái lượm, sống trong tình trạng hết sức lạc hậu, hoang dã. Đại bộ phận các tộc người Chứt sống du canh, du cư trong rừng núi, trong các hang động rèm đá… Người Chứt, văn hoá vật thể và phi vật thể của họ là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học và đồng thời là địa chỉ hấp dẫn của loại hình du lịch văn hoá dân tộc ít người ở vùng Phong Nha – Kẻ Bàng.

Do địa hình khối núi đá vôi tương đối độc lập cùng sự độc đáo của địa chất địa mạo nên Phong Nha – Kẻ Bàng có tính đa dạng sinh học cao. Vườn quốc gia có giá trị đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu, được xếp vào danh sách các khu bảo tàng đa dạng sinh học quan trọng trong “Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia’’ và “Chiến lược bảo tồn vùng sinh thái Trường Sơn’’.

Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ độc đáo và đẹp nhất thế giới về sự kiến tạo kasrt mà còn đa dạng về sinh học. Với địa hình được bảo phủ bởi các kiểu rừng kín thường xanh và rừng kín bán thường xanh, phần lớn còn nguyên sinh đã tạo cho Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng những giá trị đa dạng sinh học phong phú mang tính toàn cầu.