Di tích sân bay dã chiến Khe Gát – Bố Trạch – Quảng Bình
Ít ai biết, tại Quảng Bình, ngoài sân bay Đồng Hới còn có sân bay dã chiến Khe Gát; nay là một đoạn trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sân bay Khe Gát là sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn. Sân bay như một huyền thoại của không quân Việt Nam trong hành trình giải phóng đất nước.
Cạnh sân bay Khe Gát có tấm bia đá ghi lại rằng, di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn “Sân bay dã chiến Khe Gát, nơi đây, từ 1969 đến 1972 lực lượng Không quân đã sử dụng máy bay phản lực chiến đấu để yểm trợ cho đường Hồ Chí Minh. Riêng ngày 19-4-1972 (lúc 16 giờ 5 phút) phi đội Mic 17 của Nguyễn Văn Bảy (B) và Lê Xuân Dị đã bắn cháy 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại vùng biển Quảng Bình”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một tỉnh hậu phương trực tiếp của miền Nam, Quảng Bình giữ một vị trí xung yếu và quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải chi viện tiền tuyến. Nơi đây thường xuyên bị không quân và hải quân Mỹ đánh phá hòng cắt đứt đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Trước tình hình đó, cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến mang mật danh B7 tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhằm tạo thế bất ngờ không đối không để bảo vệ đường Trường Sơn.
Tiểu đoàn 28 Công binh (nay là Trung đoàn 28 công binh không quân) được giao nhiệm vụ này. Bên cạnh đó còn có hàng trăm Thanh niên xung phong địa phương tích cực giúp đỡ bộ đội làm đường băng, dựng lá ngụy trang, đêm đêm gánh đất, mang đồ ăn thức uống ra công trường động viên bộ đội.
Vừa thi công xây dựng vừa đảm bảo bí mật không phải dễ. Trên bầu trời suốt dải Trường Sơn, các loại máy bay trinh sát của địch OV10, SR71 ngày cũng như đêm mỗi ngày vài lượt lướt qua chụp ảnh, thả cây nhiệt đới (ra đa nhỏ) ghi âm lại để dò hoạt động của người và máy móc xe cộ của ta.
Những phương tiện thiết bị chuyên dụng như xe lu, xe cẩu, máy húc, xe gạt đều được tháo rời từ Hà Nội, chở từng bộ phận vào hiện trường mới lắp ráp lại.
Để đảm bảo bí mật nên cứ chập tối mới đào đắp, gần sáng lại ngụy trang kín đáo. Thời gian làm việc được triển khai thường từ lúc mờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Cả xe ủi, xe lu cũng được giấu kỹ trong hang đá, sau gần 7 tháng miệt mài lao động, sân bay Khe Gát bằng đất nện dài hơn 2 cây số đã hoàn thành và được ngụy trang cẩn thận.
Ngày 23/3/1971, chiến dịch phản công đường 9- Nam Lào của ta hoàn toàn thắng lợi. Mỹ cùng với sức mạnh vũ khí của chúng bị vô hiệu, con đường chi viện của ta vẫn thông. Mùa xuân năm 1972, ta mở cuộc tấn công chiến lược ở miền Nam. Mỹ muốn cứu vãn tình thế, đã huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân cứu nguy cho quân đội Sài Gòn và trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Chúng hòng nhanh chóng huỷ diệt tiềm lực kinh tế, quân sự của hậu phương miền Bắc, chặn nguồn chi viện cho cách mạng miền Nam. Ở mặt biển, tàu chiến địch thường xuyên vào gần bờ nhưng quá tầm pháo của ta để bắn phá vào các địa phương dọc Quốc lộ 1A.
Với quyết tâm đẩy tàu chiến Mỹ ra xa bờ biển, khiến chúng không thể bắn phá vào bờ, Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 923 triển khai phương án và luyện tập để bất ngờ tấn công tàu chiến Mỹ. 10 phi công MiG-17 được lựa chọn để huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ. Nội dung huấn luyện chủ yếu là luyện tập phương pháp ném bom “thia lia”. Để thực hiện phương pháp ném bom này phi công phải thuần thục kỹ thuật bay độ cao cực thấp trên biển, xác định thời điểm cắt bom để khi chạm nước, bom nảy lên và lao vào tàu địch.
Đến tháng 3/1972, Trung đoàn 923 đã có 6 phi công thành thục động tác bay thấp trên biển và nắm được kỹ thuật ném bom tàu chiến.
Ngày 18/4/1972, Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh bí mật đưa máy bay vào Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái, đưa từ sân bay Kép về Gia Lâm, rồi từ đó vào Vinh và bí mật hạ cánh xuống sân bay Khe Gát trong đêm. Hai chiếc MiG-17 được một nhóm kỹ sư do kỹ sư Trương Khánh Châu đứng đầu đã cải tiến máy bay giúp máy bay có thể hạ cánh được ở sân bay ngắn hẹp.
Ngày 19-4-1972, theo tin tức tình báo, các tàu chiến Mỹ đã dâng lên cao và áp sát bờ, trong đó có bốn chiếc chỉ cách cửa Nhật Lệ 16km, các lực lượng liên quan được lệnh chuẩn bị sẵn sàng tại sân bay dã chiến Gát – Quảng Bình. Nhóm tàu địch gồm tuần dương hạm US Oklahoma City, hai khu trục là USS Higbee và USS Lloyd Thomat, ngoài ra còn có tàu hộ tống tên lửa USS Sterett chuyên pháo kích bắn phá dọc bờ biển.
Biên đội do Lê Xuân Dị làm biên đội trưởng ở vị trí số 1, Trung uý Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) ở vị trí số 2 được lệnh báo động cấp 1, vào vị trí chiến đấu. Đúng 16 giờ 5 phút, lệnh xuất phát được truyền tới biên đội, hai chiếc máy bay MIG-17 nối đuôi nhau lần lượt cất cánh.
Phát hiện được mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, phi công số 1 Lê Xuân Dị nhanh chóng công kích. Khi khoảng cách còn 750m, anh lao xuống cắt bom rồi vọt lên. Theo tin tình báo, đây là tàu Khu trục hộ tống USS Higbee (DD-806). Chiếc hộ tống hạm này đã bị thương nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy. Số 1- Lê Xuân Dỵ sau đó được dẫn về hạ cánh tại sân bay Gát an toàn lúc 16 giờ 18 phút.
Không để cho địch trở tay, phi công số 2 Nguyễn Văn Bảy tiếp tục khẩn trương cắt bom. Chiếc tàu mà phi công Nguyễn Văn Bảy(B) ném bom trúng là tàu Tuần dương hạm hạng nhẹ USS Oklahoma City, thuộc lực lượng đặc nhiệm 77, sau khi bị trúng hai quả bom, tàu bị thương, hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong. Chiếc MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy(B), sau khi tấn công đội hình tàu chiến Mỹ, quay về sân bay hạ cánh an toàn tại sân bay Gát lúc 16 giờ 21 phút.
Chỉ 10 phút sau, các máy bay F-4 đã ào ào bay vào đánh phá ác liệt sân bay Đồng Hới và Vinh. Phải ba ngày sau, Không quân Mỹ mới phát hiện ra sân bay Gát để đánh phá, hai chiếc MiG-17 tuy đã được cất giấu trong hẻm núi, nhưng một chiếc vẫn bị đánh hỏng, chiếc còn lại, sau khi sửa chữa đã được phi công Lê Hồng Điệp cất cánh bay về sân bay căn cứ.
Trận không-đối-biển ngày 19-4, trong vòng 17 phút, với bốn quả bom loại 250kg, biên đội Dỵ – Bảy đã đánh hỏng nặng một tàu Khu trục và đánh bị thương một tàu Tuần dương hạm của Mỹ, địch buộc phải rút về căn cứ Rubic ở Philippin để sửa chữa. Trận đánh khiến Hạm đội 7 không vào gần bờ biển của ta khi đó trong nhiều tháng. Đó cũng là lần đầu tiên không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh tàu khu trục hạm của Mỹ trên biển Đông.
Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đây là sân bay chỉ có một biên đội, một lần xuất kích đánh một trận duy nhất và thành công. Đây là một chiến công xuất sắc của Bộ đội Không quân Việt Nam, trở thành huyền thoại trong lịch sử chống Mỹ cứu nước.
Trận đánh thắng tàu khu trục Mỹ trên biển Quảng Bình đã mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân ta và là tiền đề quan trọng để quân đội ta xây dựng lực lượng không quân tiêm kích đánh bom sau này.
Sân bay Khe Gát nay không còn nguyên trạng, nhưng với sự kiện độc đáo, sân bay được xem là một di tích lịch sử đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh ngày nay có một đoạn đi dọc qua sân bay Khe Gát – trở thành một điểm du lịch Quảng Bình ý nghĩa. Là một địa danh mọi người cần tới để hiểu về lịch sử Việt Nam, một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc.