Cháo canh Ba Đồn mặn mòi vị quê

Cháo canh Ba Đồn mới nghe qua cũng đã thấy lạ lẫm, nếu gọi thành cháo bánh canh Ba Đồn thì có thể dễ chịu hơn bởi bánh ra bánh, canh vẫn là canh. Món ăn này là sự kết hợp giữa nước dùng và bánh dạng sợi như bún nhưng được làm bằng bột mì, bột gạo và bột lọc.

Sở dĩ có nguồn gốc tên gọi này cũng bởi cách ăn Cháo canh Ba Đồn của người dân nơi đây, các cụ bà xưa giải thích rằng mỗi khi đói bụng ăn cháo canh thì được xem như là cháo, khi đã ăn hết phần bánh canh khá lưng bụng thì sẽ húp xụt xụt phần nước, lúc đó nó sẽ là canh. 

Cháo canh Ba Đồn mặn mòi hương quê Quảng Bình

Thị xã Ba Đồn nay là trung tâm của huyện Quảng Trạch còn được biết đến với tên gọi là khu vực 9 xã vùng nam Quảng Trạch, nơi đây một vùng quê xưa dân dã mộc mạc luôn gắn liền với nhiều đặc sản địa phương mang nét đặt trưng riêng của làng quê đôi bờ Bắc Sông Gianh.

Sợi cháo canh Ba Đồn trắng nón giòn nóng ấm ngày đông tuyệt hảo

Cháo canh Ba Đồn cũng là một đặc sản đãi những người con phương xa mỗi khi về thăm quê hay trên đường công chuyện dừng chân thưởng thức tìm lại hương vị quê mặn mà giữa những làn khói bếp ngày xưa như vẫn còn phảng phất đâu đây trên góc bếp mỗi chiều.

Cháo canh Ba Đồn một món ăn không thể thiếu trong mỗi chuyến du lịch Quảng Bình

Cháo canh thoạt mới nhìn qua có vẻ rất giống với món bánh canh ở những nơi khác nhưng sợi bánh nơi đây nhỏ hơn, sợ có hình hộp thuôn dài chứ không phải hình ống tròn, cũng có vẻ giống với món bún nước nhưng nước dùng cháo canh thì có phần đặc và sền sệt hơn.

Xem thêm: Điểm danh Top 50 món ăn ngon đặc sản Quảng Bình lừng danh

Phần nguyên liệu chính là bột canh, người dân Ba Đồn thường dùng bột gạo là nhiều, đôi khi cũng có nơi dùng bột mì, bột được nhào nhuyễn cán lớp mỏng và thái thành sợi hình hộp dài vuông hoặc chữ nhật. Khách du lịch Quảng Bình cũng rất hay lựa chọn bột khô mua về làm quà và thử tài nội trợ thiết đãi gia đình.

Cháo canh Ba Đồn buổi sáng ưa thích còn dùng thêm ly nước đậu nữa đấy

Nước hầm xương heo là ngon nhất để nấu cháo canh, sau khi nêm nếm cẩn thận với nhiều loại gia vị, các chị các cô sẽ lấy một hai muỗng lớn nước dùng vừa đủ cho ra tô, cho thêm ít hành lá thái khúc, tiêu bột, một chút hành phi.

Phần luộc bột bánh canh cũng phải thật lưu tâm nếu không sẽ hỏng hết một món ăn ngon, sau khi nước nôi là cho bột vào ngay, lửa vừa đủ khoảng 5 phút để bột chín từ từ không quá sống cũng không quá mềm. Sau đó dùng muỗng lưới hay còn gọi là rây vớt bột ra cho vào tô nước dùng.

Một số nơi còn cho tôm và trứng cút vào cháo canh Ba Đồn để dùng thêm

Tùy từng nơi, các cô sẽ cho thêm cá đã chiên cháy cạnh hoặc xương vào tô để quý thực khách ăn kèm, một tô cháo canh bột gạo trắng nõn sợi dưới lớp hành phi vàng xen lẫn hành lá xanh tươi thật bắt mắt. Các anh các chú thích ăn cay còn cho thêm chút ớt đỏ cay nồng thì thật hợp lý những ngày đông.

Màu sắc đủ tiết là cảnh thường thấy trong mỗi tô cháo canh Ba Đồn

Cháo canh Ba Đồn coi đơn giản vậy chứ còn một thứ không thể thiếu nữa, đó là ram, được làm từ bánh tráng mỏng, cuốn phần nhân thịt được băm nhuyễn tẩm ướp gia vị thêm chút mộc nhĩ, sau đó mang chiên giòn vàng rộm.

Ram Ba Đồn ăn kèm với Cháo canh Ba Đồn cũng như những người dân Hà Nội ăn quẩy kèm với phở vậy đó, Cháo canh Ba Đồn tuy đơn giản nhưng mộc mạc hòa quyện vị thơm nức nước hầm xương, chút vị nồng của tiêu, cay một chút của hành lá và thêm vị mặn mòi của những miếng cá biển chiên vàng rụm.

Cháo canh Ba Đồn với ram chiên giòn và hành phi rực rỡ sắc màu

Vào buổi sáng mùa xuân se lạnh mà thưởng thức món Cháo canh Ba Đồn thì quả là không thể chê vào đâu được, bạn phải ăn cháo canh khi còn nóng và thêm chút cay thì mới thưởng thức được hết vị ngon. Sợi bánh canh mềm ấm tan nhanh, thử thêm miếng ram giòn chấm với nước mắm nhà quê hòa quyện với nước dùng ngọt từ xương, húp sùn sụt vừa nóng vừa cay mà không thể nào dừng lại được mà cứ thổi và hít hà, mồ hôi ra sau hơi nóng thật khoái chí.