Các giá trị của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Tổng quan

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở khu vực Trung trung bộ của Việt Nam, phía Tây của tỉnh Quảng Bình; cách thành phố Đồng Hới 40 km về phía Tây, cách Thủ đô Hà Nội 500 km về phía Nam. Tọa độ địa lý: 170 21’12” – 170 44’59” vĩ độ Bắc, 1050 46’24” – 1060 24’19” kinh độ Đông.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là khu Karst mang ý nghĩa quan trọng toàn cầu đã được được biết đến từ những năm 1920 của thế kỷ trước với những hang động nổi tiếng, đã được người Pháp tổ chức du lịch từ năm 1937.

Phong Nha đã được đưa vào danh sách các khu rừng đặc dụng từ năm 1986 và chính thức trở thành Vườn quốc gia vào tháng 12 năm 2001. Với những giá trị nổi bật toàn cầu đại diện cho quá trình lịch sử trái đất và địa chất, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào tháng 7 năm 2003.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Giá trị địa chất, địa mạo

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một báu vật địa chất, lưu giữ những dấu ấn lịch sử Trái Đất qua hàng trăm triệu năm.

Cho đến nay, Động Phong Nha và hệ thống hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được thám hiểm và đo vẽ lên đến 163 hang với tổng chiều dài đạt trên 143,5 km. Đã phát hiện một hố sụt Kast sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255 m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á. Hố sụt này được đánh giá có độ tuổi hơn 400 triệu năm.

Đặc biệt là việc phát hiện mới về hang động lớn nhất thế giới – Hang Sơn Đoòng gắn với tên tuổi của các nhà thám hiểm hang động và người địa phương. Có thể nói phát hiện Hang Sơn Đoòng có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 10 năm qua. Phát hiện này là một đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và du lịch Quảng Bình ra thế giới.

Sự hình thành Karst độc đáo:

Phong Nha – Kẻ Bàng là khu vực Karst nhiệt đới điển hình và rộng lớn nhất Đông Nam Á, phát triển trên nền đá vôi có tuổi đời lên đến 400 triệu năm.
Quá trình kiến tạo địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm đã tạo nên hệ thống hang động đồ sộ với thạch nhũ đa dạng, sông ngầm dài nhất thế giới và những cảnh quan độc đáo hiếm có.
Đây là minh chứng sống động cho quá trình biến đổi địa chất phức tạp và lâu dài của Trái Đất.

Hồ sơ hóa thạch phong phú:

Các lớp đá vôi trong khu vực chứa đựng nhiều hóa thạch cổ sinh vật biển có giá trị khoa học cao, giúp tái hiện bức tranh sự sống thời tiền sử.
Đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nghiên cứu về tiến hóa sinh học và lịch sử Trái Đất.

Đa dạng địa mạo:

Ngoài hang động, Phong Nha – Kẻ Bàng còn sở hữu nhiều dạng địa hình Karst khác như: đồi núi đá vôi, thung lũng, sông suối ngầm, tạo nên cảnh quan đa dạng và hùng vĩ.
Sự đa dạng này là kết quả của quá trình phong hóa và xâm thực Karst diễn ra trong hàng triệu năm.

Giá trị khoa học và giáo dục:

Vườn quốc gia là một phòng thí nghiệm tự nhiên lý tưởng cho các nghiên cứu địa chất, sinh học và môi trường.
Đồng thời, đây là nơi giáo dục về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và giá trị di sản địa chất cho các thế hệ tương lai.

Tầm quan trọng quốc tế:

Năm 2003, UNESCO đã công nhận Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới, khẳng định giá trị địa chất vượt trội và tầm quan trọng toàn cầu của khu vực này.
Việc bảo tồn và nghiên cứu Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn đóng góp vào kho tàng kiến thức địa chất của nhân loại.

Giá trị đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên với hệ thống hang động hùng vĩ, mà còn là một mẫu mực điển hình về đa dạng sinh học của hệ sinh thái núi đá vôi trên toàn cầu. Với sự phong phú về số lượng và chủng loại sinh vật, Phong Nha – Kẻ Bàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn sự sống trên Trái Đất.

Hệ sinh thái núi đá vôi quý hiếm

Phong Nha – Kẻ Bàng là một mẫu điển hình về những trị của các hệ sinh thái núi đá vôi trên thế giới, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay, đã xác định sự có mặt của 2.694 loài thực vật thuộc 907 chi, 193 họ; 395 loài động vật không xương sống và 849 loài động vật có xương sống thuộc 460 giống, 160 họ, 42 bộ.

Trong đó, có 35 loài thực vât, 82 loài động vật nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; 79 loài thực vật, 99 loài động vật trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 66 loài động vật trong Sách Đỏ IUCN 2006. Có tới 28 loài động thực vật có giá trị kinh tế và khoa học cao đang bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu.

Sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng cho 9/21 loài linh trưởng (43% linh trưởng của Việt Nam) sinh sống. Có 3 loài linh trưởng đặc hữu của dãy Trường Sơn là Voọc hà tĩnh, Voọc vá chân nâu, Vượn bạc má, trong đó có 1 phân loài là Voọc Hà Tĩnh đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng lân cận.

Với diện tích núi đá vôi và thảm thực vật rừng nguyên sinh rộng lớn đã tạo ra cho khu hệ Dơi của Vườn quốc gia đa dạng nhất ở Việt Nam với 46 loài, chiếm 43% tổng số loài của Việt Nam. Như vậy, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những điểm có tiềm năng lớn nhất Việt Nam và thế giới về bảo tồn các loài Dơi.

Những phát hiện mới đầy thú vị

Đặc điểm về vị trí địa lý đã tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một địa điểm quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu. Vườn quốc gia là nơi có mặt của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam trong đó có 28 loài Lan, có 2 loài mới đặc hữu rất hẹp, chỉ thấy ở Vườn quốc gia  và các khu vực núi đá là Bách xanh núi đá Calocedrus rupestris và Oligoceras eberhardtii. Có tới 41 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn, trong đó có 30 loài đặc hữu cho Việt Nam, đặc biệt có tới 23 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Vườn quốc gia.

Các nhà khoa học khẳng định rằng VQG Phong Nha Kẻ bàng chắc chắn còn nhiều tiềm ẩn lý thú về đa dạng sinh học cho công tác nghiên cứu khoa học. Bằng chứng là chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây các nhà khoa học đã phát hiện 1 loài thực vật, 1 loài chim, 6 loài bò sát, 1 loài lưỡng thê, 12 loài và phân loài cá, và 2 loài bướm mới cho khoa học.

Không một khu bảo tồn nào gây được sự chú như Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đối với các nhà sinh học vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.Năm 2011, một loài thú nhỏ được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm vừa mới được tái phát hiện tại khu vực mở rộng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. “Hóa thạch sống” này có tên là Chuột đá .

Phát hiện này đã bổ sung vào danh lục Thú Việt Nam lên đến 322 loài. Những phát hiện trên đây đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với các nhà sinh học của Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu đã góp phần bảo tồn có hiệu quả một số loài động thực vật bản địa quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng tự nhiên, đóng góp thêm nhiều thông tin và cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ.

Tầm quan trọng không thể phủ nhận

Với những giá trị đa dạng sinh học vô song, Phong Nha – Kẻ Bàng xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, không chỉ một lần mà tới hai lần. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của vườn quốc gia này trong việc bảo vệ sự sống trên Trái Đất.

Giá trị văn hóa độc đáo

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống hang động kỳ bí mà còn là nơi sinh sống của hai tộc người Arem và Rục, những cộng đồng dân tộc thiểu số có dân số ít nhất tại Việt Nam và trên thế giới. Sự hiện diện của họ tại đây từ lâu đời đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, phong phú và độc đáo.

Người Arem và Rục đã gắn bó với vùng đất Phong Nha – Kẻ Bàng từ hàng trăm năm nay. Họ sống chủ yếu dựa vào rừng, bằng các hoạt động săn bắt, hái lượm và làm nương rẫy. Cuộc sống hòa mình với thiên nhiên đã hun đúc nên những nét văn hóa đặc trưng, khác biệt với các dân tộc khác.

Bản sắc văn hóa độc đáo của người Arem và Rục:

  • Ngôn ngữ: Người Arem và Rục có ngôn ngữ riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Tuy nhiên, do số lượng người sử dụng ít và giao thoa với các dân tộc khác, ngôn ngữ của họ đang có nguy cơ mai một.
  • Tín ngưỡng: Họ theo tín ngưỡng đa thần, thờ cúng các vị thần tự nhiên như thần rừng, thần núi, thần sông… Các nghi lễ, lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc tâm linh, gắn liền với chu kỳ nông nghiệp và đời sống cộng đồng.
  • Nghề thủ công: Người Arem và Rục có những nghề thủ công truyền thống độc đáo như dệt thổ cẩm, đan lát, làm đồ gốm… Các sản phẩm thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn thể hiện sự khéo léo, tinh tế và những giá trị thẩm mỹ riêng.
  • Trang phục: Trang phục truyền thống của họ đơn giản nhưng mang đậm bản sắc văn hóa. Phụ nữ thường mặc váy, áo ngắn, quấn khăn. Nam giới mặc quần, áo ngắn. Trang phục thường được trang trí bằng các họa tiết thổ cẩm do chính họ làm ra.
  • Ẩm thực: Ẩm thực của người Arem và Rục gắn liền với sản vật tự nhiên của rừng núi. Các món ăn thường được chế biến từ rau rừng, củ quả, cá, thịt thú rừng… mang hương vị đặc trưng, đậm đà.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa:

Sự hiện diện của người Arem và Rục tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa nơi đây. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của họ không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của cộng đồng dân tộc thiểu số mà còn góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Việt Nam.

Giá trị lịch sử ý nghĩa

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ là một điểm đến hấp dẫn mà còn là một bảo tàng lịch sử sống động. Việc bảo tồn và nghiên cứu các giá trị lịch sử của vườn quốc gia là rất quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai bền vững.

  • Dấu ấn của người Việt cổ: Các hang động trong vườn quốc gia đã từng là nơi trú ngụ của người Việt cổ từ hàng nghìn năm trước. Những di chỉ khảo cổ như công cụ đá, đồ gốm, và các dấu tích khác cho thấy sự hiện diện và hoạt động của con người từ thời tiền sử.
  • Bằng chứng về nền văn minh Chăm Pa: Vườn quốc gia còn lưu giữ các dấu tích của người Chăm như bàn thờ, chữ khắc, tượng đá, cho thấy sự giao thoa văn hóa đa dạng trong khu vực.
  • Nơi ẩn náu trong chiến tranh: Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, bệnh viện dã chiến, và kho chứa lương thực, vũ khí quan trọng của quân và dân ta. Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại cũng đi qua khu vực này, ghi dấu những hy sinh và chiến công oanh liệt. Vườn quốc gia còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng như Sân bay Khe Gát, Hang Tám Cô, Bến phà Xuân Sơn, … Đây là những địa danh ghi dấu những sự kiện lịch sử bi tráng và hào hùng.

Giá trị du lịch phát triển kinh tế

Tiềm năng phát triển du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng là vô cùng to lớn. Du lịch bền vững tạo ra việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động như hướng dẫn viên du lịch, cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển…Lợi thế để nhiều công ty lữ hành phát triển tour Quảng Bình đa dạng các loại hình như: thám hiểm hang động, trekking rừng rậm, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch nông nghiệp làng nghề, du lịch tâm linh về nguồn… tạo nguồn công ăn việc làm, nộp thuế…

Phong Nha – Kẻ Bàng hằng năm thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, đóng góp vào ngân sách quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bằng cách bảo vệ và phát triển nền công nghiệp không khói, chúng ta không chỉ gìn giữ được di sản thiên nhiên quý giá mà còn tạo ra lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Kết luận

Những giá trị đa dạng sinh học cũng như những giá trị tiềm ẩn của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ trở thành dịch vụ khoa học quý báu cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch Quảng Bình và phát triển kinh tế xã hội. Bảo tồn di sản Phong Nha – Kẻ Bàng chính là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà đối với toàn nhân loại.

Kể sao cho hết những giá trị tiềm ẩn bên trong của vườn quốc giá Phong Nha Kẻ Bàng. Chúng ta vô cùng tự hào, hãnh diện với nhân loại rằng “chúng ta có Phong Nha kẻ Bàng”.