Các điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình

Quảng Bình không chỉ có những thắng cảnh nổi tiếng tuyệt đẹp như vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ, biển Đá Nhảy… mà nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có giá trị như Chùa Hoằng Phúc, Vũng Chùa, Hang Tám Cô…. Hiện nay Quảng Bình có trên 200 di tích và dấu hiệu di tích, 95 di tích đã được xếp hạng (có 51 di tích cấp quốc gia). Phong Nha Explorer xin giới thiệu đến quý khách những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn không nên bỏ qua khi du lịch Quảng Bình.

Chùa Hoằng Phúc

Chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, chùa có lịch sử  trên 700 năm là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung đã được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2015. 

Chùa Hoằng Phúc

Chùa từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh phá khiến ngôi chùa đổ nát, hư hỏng. Ngôi chùa được xây dựng mới sau chiến tranh, nhưng vẫn còn nền móng, bức tường xưa còn lại phủ đầy rêu phong, cổng tạm quan với rễ cây cổ thụ quấn chằng chịt, du khách vẫn cảm nhận được vẻ trầm mặc, cổ kính, hoành tráng và uy nghi của một ngôi danh lam cổ tự mà liệt thánh xưa kia đã đặt cho cái tên rất hay là Kính Thiên, Hoằng Phúc này. 

Chùa Non – núi Thần Đinh

Núi Chùa Non, tên chữ là núi Thần Đinh nằm về phía nam thành phố Đồng Hới. Núi có hình dáng khác với hình dạng các ngọn núi khác ở chung quanh. Nó có hình tựa như một đụn rơm lớn, nhưng chỏm núi lại bằng phẳng chứ không nhọn như nhiều chỏm núi khác.

Núi Thần Đinh

Du khách đến tham quan chùa Non, núi Thần Đinh đường đi rất thuận tiện. Theo đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), đến địa phận xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có một con đường nhựa rẽ lên phía Tây, đi chừng 8 km sẽ đến chân núi Thần Đinh. Từ chân núi lên đỉnh, nơi có chùa Non du khách phải vượt qua chặng đường dốc với 1.260 bậc đá. Hai bên đường cây cối um tùm che gần kín mặt đường. Lên cao không khí càng mát mẻ, tĩnh mịch và linh thiêng.

Di tích còn lại của chùa non tên đỉnh núi Thần Đinh

Trên đỉnh núi Thần Đinh có một khu đất rộng, khá bằng phẳng với chừng 200 m2 là nơi người xưa đã chọn để xây dựng chùa Non. Chùa Non bị thời gian và chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại một ngôi miếu nhỏ và nền móng của ngôi chùa cũ. Nhiều nhà đầu tư đang xin được khôi phục xây dựng lại chùa Non làm nơi dâng hương thờ Phật. Đến đây, du khách đều được nghe kể về sự linh thiêng của chùa Non. Những người thành tâm khi đến dâng hương uống nước giếng nước thần, về sau sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại

Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15, tại xã Hiền Ninh ,Quảng Ninh là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bến phà Long Đại trở thành một trong những tọa độ lửa là trọng điểm ném bom, phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 đến 1972. Nơi đây đã hứng chịu hàng triệu tấn bom dội xuống suốt giai đoạn 1965 – 1972. Đây cũng là nơi có nhiều liệt sĩ anh dũng hy sinh khi bảo vệ tuyến đường vận chuyển Đông Trường Sơn.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại

Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại là tổng thể 3 công trình gồm đền chính (nơi thờ tự linh hồn các liệt sĩ), tháp báo ân và tháp chuông. Xung quanh đền là hệ thống bậc tam cấp, cây cảnh, vườn hoa được thiết kế hòa hợp với tự nhiên. Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh anh dũng tại bến phà. Tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách Thành phố Đồng Hới hơn 40km về phía Nam, thuộc huyện Lệ Thủy. Nơi đây nổi tiếng có dòng Kiến Giang như dải lụa màu xanh; những cánh đồng thẳng cánh cò bay; những cây đa, bến nước, sân đình và giọng hò khoan man mác. Chắc chắn sẽ làm xiêu lòng lữ khách khi dừng chân ở miền quê được xem là vựa lúa của Quảng Bình. Đây cũng chính là quê hương của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Và càng thú vị hơn khi du khách được đến thăm căn nhà lưu niệm để hiểu rõ hơn về nơi in dấu kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng.

Nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà Đại tướng Võ Nguyễn Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy được bao bọc bởi một màu xanh của cây lá. Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu về nơi vị tướng tài ba của dân tộc đã sinh ra. Trải qua biết bao thăng trầm, nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn nét thanh bình, tĩnh lặng.

Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái nằm giữa một khu vườn nhiều cây xanh. Một cảm giác yên bình, ấm áp níu giữ bước chân người. 5 cuốn sổ lưu bút khổ 30 x 45 dày khoảng 100 mm chật cứng những dòng chữ chứa chan tình cảm kính yêu, trân trọng của đồng bào, chiến sĩ khắp cả nước.

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi rộng của đãy núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; cách trung tâm huyện Lệ Thuỷ 25km về phía Nam.

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Vị khai quốc công thần, Thượng đẳng thần, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại Xã Chương Tín, huyện Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là một kiệt tướng đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế 1691-1725). Một nhà quản lý hành chính xuất sắc trong quá trình mở nước về phương Nam thời chúa Nguyễn và là người có công xây dựng nền móng cho Sài Gòn, Gia Định, nay là TPHCM, An Giang, Đồng Nai, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mấy thế kỷ qua đi, dẫu thế sự thịnh suy thăng trầm, song trong ký ức bất diệt của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng, tên tuổi và sự nghiệp của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn luôn luôn toả sáng.

Hang Tám Cô

Hang Tám Cô nằm trên cung đường 20 – một phần của đường Trường Sơn huyền thoại. Nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng thanh niên xung phong đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Đây là nơi 8 người thanh niên xung phong quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng – Hang Tám Cô

Nơi đây, hiện cũng là điểm đến của khách thập phương tri ân các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng. Là một di tích lịch sử đặc biệt, hang Tám Cô còn được người đời cho rằng là chốn rất linh thiêng. Vì thế, những người kinh doanh, Bắc có, Nam có, mỗi dịp lễ trọng hay Tết Nguyên đán thường đến khu di tích này cầu may.

Đền Thờ Liễu Hạnh Công Chúa

Từ đỉnh Đèo Ngang theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam khoảng 2km, rẽ trái theo con đường mòn gần 500m, ta sẽ tới đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh

Đền nằm dưới chân núi Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc – Nam trước đây, phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển. Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.

Vũng Chùa

Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hàng năm có hàng trăm nghìn lượt khách dâng hương tưởng nhớ vị đại tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đến nơi đây, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc hoang sơ của núi rừng biển đảo nơi đây.

Vũng Chùa nơi an nghỉ cuối cùng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp