Xuôi dòng Kiến Giang – Lệ Thủy
Những ai đã từng về thăm vùng đất huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có cảm giác ngỡ ngàng, thú vị và mê say trước vẻ đẹp thơ mộng bình yên của dòng sông Kiến Giang.
Là một trong hai phụ lưu lớn của sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang có chiều dài 58km. Dòng Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh vốn nổi tiếng lúa vàng trĩu hạt. Đây là nơi hiếm hoi của miền Trung mà bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng mênh mông đến tận chân trời. Cuối dòng Kiến Giang, sông nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra cửa sông Nhật Lệ xuôi về biển Đông. Hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông này chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là Nghịch Hà.
Kiến Giang xưa có tên là Bình Giang, sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An thế kỷ XVI viết: “…Nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là con sông đẹp nhất trong xứ…”. Có lẽ là thời đó chỉ thấy con sông chảy qua vùng đồng bằng thưa thớt dân cư, nước mênh mông vạn khoảnh có thể dung được vạn thuyền nên người dân gọi là Bình Giang chăng? Bố Chinh, Địa Lỵ, Ma Linh của vương quốc Chiêm Thành nhập vào Đại Việt (1069) được vua Lý Nhân Tông đổi thành Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh và chiêu mộ dân chúng đến ở. Đây là nơi “đất lành chim đậu” cho những cư dân đầu tiên trong công cuộc mở cõi về phương Nam. Năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong cuộc vân du sang đất Chiêm Thành đến vùng đất “phúc địa vô song”, “một miền tịnh giới, y như hoa cỏ hướng mặt trời” để lập am Tri Kiến (chùa Kính Thiên, Hoằng Phúc sau này) Lệ Thủy đã mang cốt cách, đậm hồn dân tộc. Theo sắp đặt các đơn vị hành chính đời Trần, châu Lâm Bình dưới đời nhà Lý được đổi thành phủ Lâm Bình rồi phủ Tân Bình, lộ Tân Bình, đến cuối đời Trần đổi thành trấn Tân Bình, rồi trấn Tây Bình. Theo sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh, Trấn Tây Bình có huyện Thượng Phúc, huyện Nha Nghi và huyện Tri Kiến. Tri Kiến nghĩa là sự dựng lập. Không biết tên sông Bình Giang mà Dương Văn An viết vào thế kỷ XVI đổi từ lúc nào? Phải chăng cha ông muốn trở lại ký ức của một vùng đất Tri Kiến để tiếp tục công cuộc dựng lập muôn đời mà tên Bình Giang được đổi thành Kiến Giang chăng.
Ngược ngọn nguồn Kiến Giang ta bắt gặp Rào Nậy, Rào Con len lách giữa dãy núi Yên Mã (tiếng địa phương là độộng An Mạ) điệp trùng với thế núi cao lớn, dáng hình uốn lượn, chỗ đứt đoạn, chỗ liên tục, chỗ đổ xuống, chỗ ngóc lên trông như hình cái yên ngựa. Hai bên tả hữu có các núi vây quanh, chỗ như ký mã thong dong, chỗ như tuấn mã hăm hở.
Từ thượng nguồn, sông chảy về xuôi nuôi dưỡng phù sa cho cây lúa, củ khoai rồi dưỡng dục, hun đúc biết bao thế hệ con cháu lưu danh sử sách. Phạm thượng tướng người xã Đại Phúc Lộc khi nghe tin Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa tìm theo có công dẹp giặc Minh được phong Thượng tướng. Nguyễn Danh Cả (có sách gọi là Danh Khả) người xã Lộc Thuỷ, cuối đời nhà Hồ dự Hội thề Lũng Nhai theo Lê Lợi đánh giặc lập công được phong tước Trung Lượng đại phu. Con là Danh Trí được phong Vũ Tiết đại phu, cháu là Nguyễn Đình Tuấn được phong là Quả Cảm tướng quân. Đời nhà Mạc, Dương Văn An tự Tĩnh Phủ khoa thi Đinh Mùi (1547) đỗ Tiến sĩ ra làm quan. Đời nhà Nguyễn có Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc làm quan thanh liêm chính trực được vua Tự Đức ban tặng bức Đại hạng tự kim đề 4 chữ: Liêm – Bình – Cần – Cán (thanh liêm, công bằng, cần cù, mẫn cán), Đại tướng Võ Nguyên Giáp người làng An Xá vị tướng của nhân dân…Như dòng Kiến Giang chảy mãi, nối tiếp các bậc tiền nhân còn biết bao nhiêu người con quê hương Lệ Thuỷ rạng ngời sử sách…
Tuyến Đường sắt Bắc Nam cắt qua con sông này tại Cầu Mỹ Trạch. Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, cầu Mỹ Trạch là nơi chứng kiến Thảm sát Mỹ Trạch đẫm máu, nơi dân làng Mỹ Trạch bị quân Pháp đưa ra cầu xử bắn, nơi đây ngày nay vẫn còn “Bia căm hờn” ghi lại tội ác này.
Khúc sông náo nhiệt nhất vẫn là đoạn chảy qua trung tâm huyện Lệ Thủy. Với những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm, những dãy phố khang trang buôn bán sầm uất soi bóng dòng Kiến Giang. Sông uốn khúc quanh co, chia thành hai nhánh và mấy chiếc cầu cong cong duyên dáng mang đến vẻ đẹp nên thơ cho vùng phố huyện này. Tại ngã ba sông Kiến Giang là chợ Tréo – ngôi chợ lớn nhất huyện Lệ Thủy, luôn tấp nập trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán.
Sông Kiến Giang chảy qua làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, địa danh đã trở nên nỗi tiếng nhờ có ngôi nhà năm xưa gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh sống. Cũng như bao ngôi nhà thuở xưa của vùng đất này, ngôi nhà được bao quanh bởi hàng rào xanh ngắt và đều tăm tắp. Bước qua chiếc cổng gỗ lợp mái tranh, bạn sẽ thấy ngôi nhà giản dị vách gỗ với cây cau, cây vú sữa và mấy luống hoa cải. Hàng chục năm nay, những người phương xa vẫn thường đến đây để thăm ngôi nhà đã sinh ra vị tướng tài ba của mọi thời đại.
Sông Kiến Giang thật đẹp, hai bên bờ là những bụi cây lớn, sà xuống mặt nước, cây xanh tốt như chính màu nước, làn nước nơi đây, đôi lúc từ trên ngọn tre cao vút, một chú cò trắng mắt lim dim, giật mình nhìn thấy bóng mình soi trong đáy nước.
Sông Kiến Giang là một tác phẩm giản dị, mộc mạc mà tạo hóa ban tặng cho con người Lệ Thủy. Khi mặt trời vừa nhô lên, vẻ đẹp của sông biến hóa thành dải lụa óng ánh màu ngọc bích, gợn sóng trong tiếng nói chuyện rôm rả của chị em đi làm ruộng và tiếng sáo của những cậu bé chăn trâu.
Dòng sông là niềm tự hào của cư dân đôi bờ, là nét vẽ điểm tô cho thị xã trong tương lai mềm mại hơn, là dòng sông của lễ hội đua bơi truyền thống hiếm có ở miền trung. Cùng với sự trở lại cuộc sống thanh bình trên dòng sông, sau chiến tranh, lễ hội đua thuyền truyền thống tiếp tục được tổ chức vào dịp Tết Độc lập 2-9 hằng năm, cuốn hút du khách bậc nhất ở khu vực miền trung.
Hai bên bờ sông trở thành khán đài kín đặc người xem suốt chặng đua dài 15 km, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…. Để rồi những con người xa quê luôn khắc sâu trong lòng câu ca: “Dù ai, đi tây về đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay…”
Con sông bên lở bên bồi, vẫn bến cũ con đò đã đi vào ký ức của bao lớp người con xứ Lệ. Con sông muôn đời vẫn chảy mãi trong thơ, dẫu cho bao mùa xuân đã qua đi, bao người con quê hương đã qua, biết bao người con đã dâng trào cảm xúc, rồi viết lên bao áng thơ, lời ca bất hủ ngợi ca về dòng sông quê.
Du lịch Quảng Bình muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Kiến Giang – Lệ Thủy, bạn có thể thuê ô tô, đi xe máy hoặc bằng đi xe bus từ thành phố Đồng Hới tới thị trấn Kiến Giang với quảng đường khoảng 40 km. Nơi đây du lịch hầu như chưa phát triển, nhưng với những người yêu sự bình yên của cuộc sống, bạn có thể đến bến đò ở trung tâm thị trấn, thuê một con thuyền nho nhỏ và cùng người dân đi dọc theo dòng sông, thoải mái ngắm những người nông dân cất vó hay từng đàn vịt láo nháo bên bờ.
Từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy, ngược dòng Kiến Giang khoảng 10 km là đến “vùng đất thiêng”, nơi có lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700), người mở cõi khai sáng miền đất phương nam của nước Việt thế kỷ 17. Đi quá vài trăm mét là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Tiến sĩ Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 – 1407), vị tướng tài ba, người khai phá, mở mang lưu vực dòng Kiến Giang. Qua phía tả ngạn dòng sông là lăng mộ Hiệp Biện Đại học sĩ Võ Trọng Bình (1808 – 1898), vị quan nức tiếng thanh liêm… Theo dòng sông lên chút nữa sẽ là suối nước khoáng Bang, điểm du lịch hấp dẫn kỳ thú giữa đại ngàn Trường Sơn. Sau đó, bạn có thể đến làng An Xá, xã Lộc Thủy (cách thị trấn khoảng 10km) để thăm ngôi nhà xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ghé qua chùa An Xá.
Ảnh: FBTrần Long, Đức Thành